Trước đó, vào ngày 21/5, Mỹ vừa đơn phương tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở với lý do “Nga liên tục vi phạm các điều khoản của hiệp ước”, khi không cho phép Mỹ tiến hành các chuyến bay quan sát trên bầu trời Moscow, Abkhazia, Nam Ossetia và Chechnya…
Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói rằng, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của tất cả các thành viên tham gia, kể cả các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông Grushko khẳng định, Nga không vi phạm hiệp ước và không có gì ngăn cản việc tiếp tục đàm phán về các vấn đề kỹ thuật mà Mỹ nói Nga vi phạm. Theo Thứ trưởng Grushko, động thái của Mỹ sẽ là đòn mạnh không chỉ giáng vào nền tảng an ninh châu Âu mà còn vào những lợi ích an ninh cốt lõi của các đồng minh Mỹ.
Máy bay do thám OC-135B sử dụng trong Hiệp ước Bầu trời Mở của Không quân Mỹ. Ảnh: RT
Hiệp ước Bầu trời Mở ((Open Skies Treaty - OST) có hiệu lực năm 2002, cho phép các quốc gia tham gia thực hiện các chuyến bay giám sát ngắn, không vũ trang, trên toàn bộ lãnh thổ nước thành viên khác để thu thập dữ liệu về các lực lượng và hoạt động quân sự.
Cho đến nay, Hiệp ước Bầu trời Mở là một trong những nỗ lực quốc tế rộng lớn nhất hỗ trợ giám sát việc tuân thủ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hiện có hoặc trong tương lai, mở rộng khả năng ngăn chặn khủng hoảng và quản lý các tình huống khủng hoảng.
Hiện 35 nước, trong đó có Nga, Mỹ và một số nước thành viên khác của NATO, đã ký hiệp ước. Kyrgyzstan đã ký nhưng chưa phê chuẩn hiệp ước. Năm ngoái, Washington cũng đã rút khỏi một Hiệp ước quốc tế lớn khác là Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân tầm trung với Moscow.