Tờ Expressen của Thụy Điển đã đăng tải đoạn video do công ty nghiên cứu và ứng dụng robot của Na Uy, Blueye Robotics, quay được tại khu vực đường ống Nord Stream, cho thấy có vết rách lớn và kim loại bị xoắn vào nhau trên đường ống Nord Stream 1 ở độ sâu 80m dưới mặt biển. Trong video, có ít nhất 50m đường ống đã bị “thổi bay” do tác động từ các vụ nổ.
Công ty này nhận định, nhiều bộ phận của đường ống đã mất tích hoặc bị chôn vùi dưới đáy biển.
“Chỉ có lực tác động cực mạnh mới có thể bẻ cong số kim loại dày như thế này, như những gì mà chúng ta đang nhìn thấy”, tờ Expressen dẫn lời đại diện công ty điều hành máy bay không người lái Trond Larsen cho biết.
Phía cảnh sát Đan Mạch cũng công bố kết quả điều tra sơ bộ của mình, tin rằng đã có “nhiều vụ nổ có sức công phá mạnh” tạo nên 4 lỗ hổng lớn gây rò rỉ khí đốt ở cả hai đường ống Nord Stream 1 và 2.
Phát hiện của cảnh sát Đan Mạch dường như tương tự với kết quả điều tra mà các công tố viên Thụy Điển đã công bố trước đó.
Tính đến hiện tại, các nước gồm Đức, Thụy Điển và Đan Mạch đều đang tiến hành điều tra vụ rò rỉ tại Nord Stream. Thụy Điển từ chối mở cuộc điều tra chung vì những lo ngại liên quan đến việc chia sẻ những thông tin nhạy cảm có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Thụy Điển: Vụ rò rỉ đường ống Nord Stream là hành động phá hoại có chủ đích
Hiện vẫn chưa xác định nguyên nhân chính xác gây ra các vụ nổ, nhưng nhiều nước tham gia điều tra cho rằng đây là hành động phá hoại có chủ đích.
Nga cho rằng các nước phương Tây thông qua các cuộc điều tra đang cố tìm cách đổ lỗi cho Nga trong vụ việc này.
Ngày 18/10, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, cho rằng nếu xét theo logic thì việc đường ống dẫn khí có phần sở hữu của Nga nếu bị phá hoại sẽ không mang lại lợi ích gì cho nước Nga. Mặt khác, Nga cũng từng lên tiếng cho rằng vụ rò rỉ đường ống có sự nhúng tay của các nước phương Tây và Mỹ sẽ là bên được lợi. Đáp lại, Mỹ phủ nhận mọi cáo buộc liên quan.
Sau sự cố rò rỉ trên các tuyến Nord Stream, các quốc gia châu Âu tăng cường an ninh và giám sát quanh hạ tầng quan trọng dễ bị tấn công. Bên cạnh đó, Tập đoàn Gazprom của Nga - đơn vị chiếm 51% cổ phần trong liên doanh Nord Stream AG chịu trách nhiệm lắp đặt và vận hành đường ống - vào ngày 3/10 thông báo có thể chuyển khí đốt qua đường ống cuối cùng còn nguyên trên tuyến Nord Stream 2, song điều này cần kinh phí và thời gian phù hợp.
Đức hồi tháng 2 đình chỉ dự án Nord Stream 2, vài ngày trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nord Stream 2 chưa đi vào hoạt động thương mại sau khi được hoàn tất tháng 9/2021, nhưng vẫn chứa đầy khí đốt để cân bằng áp suất dưới đáy biển.