Na Uy triển khai tàu giám sát đường ống dẫn khí đốt sau vụ rò rỉ Nord Stream

(VOH) - Na Uy đã cho triển khai tàu chuyên dụng kiểm tra đường ống dẫn khí đặt ngầm dưới biển nối qua Đức, vì những lo ngại liên quan đến an toàn sau vụ rò rỉ nghi do phá hoại ở đường ống Nord Stream.

Na Uy hiện là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho các nước châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh châu lục này đang kéo giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga vì những ảnh hưởng của chiến sự tại Ukraine.

Tuần trước, Na Uy đã tăng cường an ninh, nâng mức cảnh báo bảo vệ các cơ sở năng lượng. Quân đội gồm hải quân và không quân đã được điều động tuần tra quanh các khu vực ngoài khơi và bố trí lực lượng tại các nhà máy sản xuất khí đốt trong đất liền, sau sự cố rò rỉ ở đường ống Nord Stream dẫn khí đốt từ Nga sang Đức trên Biển Baltic vào ngày 26/9.

Thụy Điển: Vụ rò rỉ đường ống Nord Stream là hành động phá hoại có chủ đích

Theo Refinitiv, tàu Havila Subsea trang bị phương tiện vận hành dưới đáy biển điều khiển từ xa đã được triển khai ngày 5/10 để kiểm tra đường ống Europipe II nối nhà máy khí đốt Kaarstoe của Na Uy với Dornum tại Đức. Đường ống này dài 658 km, có khả năng vận chuyển 71 triệu m3 khí/ngày, tương đương khoảng 20% tổng lượng khí xuất khẩu của Na Uy.

Na Uy triển khai tàu giám sát đường ống dẫn khí đốt sau vụ rò rỉ Nord Stream
Một giàn khoan dầu đặt ngoài khơi Na Uy. Ảnh: Getty Images

Ông Jostein Alendal - Giám đốc điều hành Reach Subsea, đơn vị vận hành Havila Subsea, cho biết công tác giám sát được thực hiện theo yêu cầu của Equinor, cơ quan được nhà vận hành hệ thống khí đốt ngoài khơi Gassco ủy quyền để thực hiện giám sát đường ống vận chuyển khí đốt. Tuy nhiên, vì lý do an ninh, ông không thể cung cấp thêm thông tin chi tiết về cách thức tiến hành.

Theo Tor Ivar Stroemmen đến từ Học viện Hải quân Hoàng gia Na Uy, đường ống Europipe II có thể là đường ống khí đốt quan trọng nhất của Na Uy hiện tại. “Một việc nghiêm trọng chẳng hạn như đường ống bị gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt sang Đức có thể tạo ra những sức ép về chính trị làm thay đổi cục diện của những nỗ lực hiện tại đang triển khai với Nga”, ông Stroemmen nói.

Trong một báo cáo chung gửi lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 30/9 vừa qua, Đan Mạch và Thụy Điển cho biết các vụ nổ dưới biển với sức mạnh tương đương hàng trăm kg thuốc nổ có thể là nguyên nhân dẫn tới sự cố rò rỉ ở 2 đường ống vận chuyển khí đốt này.

Bình luận