Cản trở hoạt động của Philippines ở biển Đông, đang gây tác dụng ngược với Trung Quốc?

VOH - Thời gian qua, Trung Quốc có nhiều hoạt động cản trở Philippines tiếp tế ở biển Đông. Động thái này mang đến tác dụng ngược nhiều hơn lợi ích?

Căng thẳng tiếp tục tăng ở Biển Đông. Tuần trước, một đội tàu dân sự Philippines đang tiến tới bãi cạn Scarborough thì bị Trung Quốc cản trở. Cùng thời gian, cảnh sát biển Trung Quốc ban hành quy định cho phép giam giữ tàu nước ngoài trong tối đa 30 ngày vì tội xâm nhập trái phép. Quy định có hiệu lực từ tháng 6 tới.

cHải cảnh Trung Quốc tấn công tàu tiếp tế của Philippines - Ảnh Al Jareeza
Hải cảnh Trung Quốc tấn công tàu tiếp tế của Philippines - Ảnh: Al Jareeza

Đội tàu của Philippines chỉ có 1 chiếc tới được bãi Scarborough, để giao nhiên liệu và thực phẩm cho những ngư dân bám trụ.

Tình tiết này minh họa nỗ lực của Trung Quốc, nhằm đe dọa Philippines, muốn Manila chấp nhận mất lãnh thổ và ngư trường. Động thái cứng rắn đang tạo ra sự phản kháng ngày càng mạnh từ công chúng quốc gia Đông Nam Á. Nó cũng thúc đẩy Philippines tăng cường hợp tác với Mỹ và đồng minh, về quốc phòng-an ninh.

Philippines dưới thời tổng thống Ferdinand Marcos Junior thể hiện sẽ không lùi bước.

Những người phương Tây có ảnh hưởng, như cố ngoại trưởng Henry Kissinger thường nói về khả năng quyến rũ các nước láng giềng của Trung Quốc, nhằm theo đuổi mục tiêu dài hạn. Tuy vậy nhiều ý kiến cho rằng, Trung Quốc đang xử lý sai lầm mối quan hệ với Philippines.

Trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Rodrigo Duterte, Trung Quốc cố gắng thu phục Philippines, thông qua cam kết hợp tác và đầu tư quy mô lớn.

Nhưng các khoản đầu tư phần lớn không thành hiện thực. Nhượng bộ của Trung Quốc về quyền tiếp cận đối với ngư dân Philippines trên các vùng biển, cũng không tăng nhiều.

Khi tổng thống Marcos tiếp quản vị trí của người tiền nhiệm Duterte, ban đầu ông có ý định muốn quan hệ song phương chuyển sang một nấc thang cao hơn.

Sự thất vọng ập đến, khi tổng thống Marcos thu về tay trắng, sau chuyến công du đầu tiên tới Trung Quốc trong nhiệm kỳ mới. Tổng thống Marcos có lập trường ngày càng quyết đoán, và bắt đầu tăng cường hợp tác an ninh với những đồng minh truyền thống.

Bắc Kinh đáp trả bằng cách dựa vào những người cộng tác ở Philippines, nổi bật là ông Duterte và con gái Sara, hiện là phó tổng thống, để tố cáo đường lối đối ngoại của tổng thống Marcos. Cùng nhau, họ miêu tả tổng thống Marcos như tay sai của phương Tây, đang đưa đất nước thành Ukraine của châu Á.

Chiến thuật này không tác động được tổng thống Marcos. Khảo sát ý kiến cho thấy, đại đa số người Philippines ủng hộ chính sách bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổng thống Marcos.

Tại Washington tháng 4/2024, tổng thống Marcos nói: “Những quyết định chúng tôi đưa ra, tất cả vì lợi ích quốc gia.”

Sau đó, Trung Quốc leo thang căng thẳng, bằng cách ngăn chặn nhiệm vụ tiếp tế của Philippines tới bãi cạn Second Thomas. Bắc Kinh sử dụng vòi rồng công suất lớn.

Một số nhà quan sát nhắc lại, hành động trên cho thấy Bắc Kinh không tuân thủ thỏa thuận 2012 về việc rút khỏi Scarborough, cũng như không thực hiện cam kết của chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra năm 2015 trong chuyến thăm Mỹ, về việc không quân sự hóa các hòn đảo ở biển Đông.

Cố vấn an ninh quốc gia Edurado Ano thậm chí kêu gọi trục xuất các nhà ngoại giao Trung Quốc, vì đưa thông tin sai lệch liên quan đến đối đầu giữa 2 nước.

Nhiều dấu hiệu cho thấy, Philippines đang tăng cường gắn kết với Mỹ về quốc phòng. Ví dụ mở rộng cuộc tập trận Balikatan hàng năm. Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines lần đầu tham gia tập trận vào tháng 4/2024, trong lúc các cuộc tập trận khác được tiến hành trong khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Tiếp nối cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Philippines-Nhật Bản tại Washington tháng 4/2024, bộ trưởng quốc phòng 3 nước, cùng với người đồng cấp Úc, đã gặp nhau ở Hawaii vào ngày 2/5.

Nhóm các quốc gia này dự kiến sẽ thường xuyên tiến hành tuần tra chung ở biển Đông, cũng như tăng cường hợp tác quốc phòng.

Philippines đang điều tra hoạt động gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong xã hội. Tại phiên điều trần ở Thượng viện trong tháng 5 này, một số quan chức đã đặt câu hỏi, liệu thị trưởng gốc Hoa của một thành phố có vị trí chiến lược phía bắc Manila, có thể là điệp viên của Trung Quốc hay không?

Nhiều tiếng nói cho rằng, đến lúc Trung Quốc phải dừng chiến thuật gây hấn trên biển, thay bằng cách tiếp cận ngoại giao bền vững. Nếu tiếp tục chèn ép, Trung Quốc không được lợi mà chỉ đẩy Philippines gắn kết chặt hơn với Mỹ, cũng như cổ vũ tinh thần bài Hoa trong lòng người dân đất nước Đông Nam Á.

Bình luận