Cập nhật dịch Covid-19: Thế giới đã có hơn 175 triệu ca nhiễm và gần 3,8 triệu ca tử vong

(VOH) - Theo trang thống kê Worldometers, tính đến sáng nay, toàn cầu ghi nhận 175.151.457 ca nhiễm Covid-19 và 3.776.072 ca tử vong, tăng lần lượt 408.243 và 13,487 ca trong vòng 24 giờ.

Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới dù số ca nhiễm mỗi ngày đã giảm đáng kể so với thời điểm đỉnh dịch. Trong ngày 9/6, nước này, ghi nhận thêm 13.284 ca nhiễm và 441 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên con số 34.263.810 ca và số ca tử vong đến nay là 613.496

Chính phủ Mỹ đã nhất trí chi khoảng 1,2 tỷ USD Mỹ để mua 1,7 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir đang được thử nghiệm điều trị bệnh Covid-19, nếu cuộc thử nghiệm quy mô lớn hiện nay cho thấy thuốc có tác dụng và được cơ quan quản lý dược phẩm Mỹ cấp phép.

Thuốc kháng virus Molnupiravir dạng uống có tác dụng ngăn chặn bệnh Covid-19 phát triển, được dùng điều trị trong giai đoạn đầu của bệnh. Liệu trình thử nghiệm hiện tại là 2 liều mỗi ngày và sử dụng trong vòng 5 ngày. Theo Tiến sĩ John Whyte - người phụ trách y tế của Phòng thí nghiệm Merck & Co Inc, Mỹ cần các loại thuốc điều trị để sẵn sàng cho các làn sóng Covid-19 mới.

Một thông tin đáng chú ý khác là, chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết tặng 500 triệu liều vắc xin Pfizer-BioNTech cho gần 100 quốc gia trong hai năm tới.

vắc xin covid-19
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết tặng 500 triệu liều vắc xin cho gần 100 quốc gia trong hai năm tới

Theo Washington Post và New York Times ngày 9/6, Mỹ có khả năng sẽ phân phối 200 triệu liều trong năm nay và 300 triệu liều trong nửa đầu năm sau cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và Liên minh châu Phi.

Khoản đóng góp sẽ thông qua chương trình phân phối COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (GAVI). Ông Biden sẽ thông báo trong cuộc họp G7 tại Anh tuần này.

Tính đến ngày 10/6/2021, các quốc gia đang dẫn đầu về số ca nhiễm mới mỗi ngày là Ấn Độ, Brazil, Argentina, Colombia…

Ấn Độ vẫn là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 29.182.072 ca nhiễm và 359.695 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 93. 896 và 6.138 ca.

Trước tình hình ca bệnh giảm, một số bang Ấn Độ đã nới lỏng các biện pháp hạn chế với các hoạt động thương mại để thúc đẩy tiêu dùng. Dù vậy, vẫn còn nhiều bang gia hạn thêm thời gian phong tỏa và lưỡng lự trước việc mở cửa trở lại.

Chính phủ Ấn Độ cam kết sẽ tiêm chủng miễn phí cho tất cả người dân. Cho tới nay, khoảng 20,2% người trưởng thành Ấn Độ, trong đó có 40,8% người trên 45 tuổi và 44,9% người trên 60 tuổi, đã tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19.

ấn độ, covid-19
Ấn Độ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm mới tăng nhanh mỗi ngày (Ảnh: aljazeera)

Brazil – vùng dịch lớn thứ ba thế giới đến nay đã ghi nhận 17.125.357 ca nhiễm và 479.791 ca tử vong, tăng 87.097 ca nhiễm và 2.484 ca chỉ trong 24 giờ.

Cơ quan Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Brazil (Sebrae) cho hay đại dịch Covid-19 đã khiến gần 10 triệu doanh nghiệp tại nước này phải đóng cửa trong năm ngoái, tăng 18,3% so với năm 2019.

Tình trạng khẩn cấp về y tế do đại dịch Covid-19 ở Brazil và các biện pháp chống dịch đã khiến các doanh nghiệp sản xuất tê liệt hoạt động trong vài tháng, dẫn đến nhiều công ty hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau buộc phải đóng cửa.

Trước đó, Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE) cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở Brazil trong quý I/2021 đạt mức 14,7%, tương đương với 14,8 triệu người thất nghiệp, mức cao nhất ghi nhận được tại nước này kể từ năm 2012.

Nga hôm 9/6 ghi nhận 10.407 ca nhiễm mới Covid-19 mới, số ca nhiễm theo ngày cao nhất kể từ đầu tháng 3. Moskva ghi nhận 4.124 ca, lần đầu vượt mốc 4.000 ca kể từ giữa tháng 1.

"Tình hình dịch bệnh đang xấu đi ở Moskva, số ca nhiễm đang gia tăng", Yevgeny Danchikov, một quan chức thành phố Moskva cho hay. "Việc bắt buộc người dân sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân ở nơi công cộng, bao gồm phương tiện giao thông công cộng, tàu ngầm, trung tâm giải trí... sẽ được siết chặt".

Những người vi phạm quy định phòng chống Covid-19 có thể bị phạt tiền. Người dân thủ đô được yêu cầu đeo khẩu trang và găng tay khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, taxi và những nơi như trung tâm mua sắm, nhưng quy định này không được thực thi nghiêm túc.

Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin cho hay thành phố hơn 12 triệu dân chưa có kế hoạch áp đặt một đợt phong tỏa mới. Tháng trước, ông cho hay rất ít người đi tiêm vắc xin Covid-19 dù chính quyền miễn phí vắc xin và bố trí nhiều điểm tiêm chủng thuận tiện.

Tại châu Âu, Pháp nới lỏng lệnh giới nghiêm - từ 9/6, lần đầu tiên sau nhiều tháng các địa điểm trong nhà và ngoài trời được mở cửa muộn thêm hai tiếng, tới 23h. Các phòng gym cũng được phép mở cửa. Bỉ cũng nới lỏng các biện pháp hạn chế, cho phép quán cà phê và nhà hàng phục vụ trong nhà, nới lỏng quy định đeo khẩu trang tại Brussels.

Châu Âu tiếp tục chứng kiến số ca nhiễm gia tăng ở vài nơi như Bồ Đào Nha, quốc gia trì hoãn việc tái mở cửa hôm 9/6. Nhưng chiến dịch tăng tốc tiêm chủng của Liên minh châu Âu làm dấy lên hy vọng về một cuộc sống bình thường. Gần nửa số người trưởng thành ở EU đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin, và gần 26% đã tiêm đủ hai mũi.

Nepal, nơi chỉ có 2% dân số được tiêm đầy đủ, đã tiếp tục chiến dịch tiêm chủng ngày 7/6 sau khi nhận thêm một triệu liều vắc xin Sinopharm từ Trung Quốc, quốc gia duy nhất đáp ứng lời kêu gọi của Nepal. Nepal là vùng dịch thứ 40 thế giới, ghi nhận 598.813 ca nhiễm và 8.179 ca tử vong.

Sri Lanka cũng tích cực triển khai vắc xin Sinopharm sau khi nhận được hai triệu liều trong tuần qua, mở đầu chương trình tiêm chủng cho phụ nữ mang thai hôm 9/6. Quốc gia này là vùng dịch thứ 77 thế giới, ghi nhận 213.396 ca Covid-19 và 1.844 ca tử vong.

Tại Indonesia, hơn 10 của hàng McDonald's phải đóng cửa hôm 9/6 vì lo ngại Covid-19 bùng phát, sau khi chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh này ra mắt suất ăn BTS khiến người hâm mộ của ban nhạc Hàn Quốc ùn ùn đổ tới thưởng thức.

Jakarta và một số thành phố khác đóng cửa ít nhất 13 cửa hàng. Fajar Purwoto, người đứng đầu cơ quan trật tự của thành phố, cho biết chính quyền "tạm thời đóng cửa 4 trong số 6 của hàng McDonald's ở Semarang trong vài ngày".

Indonesia là một trong những quốc gia bị Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhất châu Á. Quốc gia này là vùng dịch thứ 18 thế giới, ghi nhận 1.877.050 ca nhiễm và 52.162 ca tử vong, tăng lần lượt 7.725 ca và 170 ca so với một ngày trước.