Như vậy đến nay, toàn thế giới ghi nhận 116.200.501 ca nhiễm Covid-19, trong đó 2.580.558 ca tử vong, và có 91.859.474 người đã bình phục, theo trang Worldometers.
* Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 29.519.652 ca nhiễm và 533.411 ca tử vong, tăng lần lượt 62.910 ca nhiễm và 1.768 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Hai bang của Mỹ là Texas và Mississippi đã gỡ lệnh bắt buộc người dân đeo khẩu trang. Tổng thống Joe Biden gọi quyết định này là "sai lầm lớn".
* Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ghi nhận 11.173.572 ca nhiễm Covid-19 và 157.584 ca tử vong, tăng lần lượt 16.824 ca và 113 ca trong 24 giờ qua. Số ca nhiễm ghi nhận gần đây được báo cáo tại 5 bang, chủ yếu là Maharashtra và Kerala.
* Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 1.786 ca tử vong, nâng tổng số lên 261.188. Số ca nhiễm Covid-19 tăng 74.285 trong 24 giờ qua, lên 10.796.506.
Ngày 4/3, chính quyền thành phố Rio de Janeiro đã ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm và một số hạn chế nghiêm ngặt khác nhằm ngăn chặn nguy cơ quá tải hệ thống y tế trước làn sóng thứ 2 của đại dịch Covid-19. Lệnh giới nghiêm sẽ được áp dụng từ 23h00 giờ đêm hôm trước tới 5h00 giờ sáng hôm sau trong thời gian từ ngày 5 - 11/3. Trong thời gian này, các quán bar và nhà hàng chỉ được mở cửa từ 6h00 - 17h00 hàng ngày với các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Các sự kiện giải trí, hội chợ và hoạt động tại bãi biển bị tạm dừng cho tới khi có thông báo mới.
Bang Sao Paulo cũng tuyên bố chỉ cho phép các dịch vụ y tế, lương thực, vận tải công cộng và trường học mở cửa. Tất cả các trung tâm thương mại, nhà hàng và các khu vui chơi giải trí phải đóng cửa trong 2 tuần.
Một số địa phương khác như thủ đô Brasilia, các bang Mato Grosso, Pernambuco, Rondonia và Acre cũng buộc phải hạn chế hoặc giới hạn thời gian hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngoại trừ các dịch vụ cơ bản.
Giới chức Brazil cảnh báo hệ thống y tế tại nước này đang bên bờ vực sụp đổ. Với tình trạng số ca bệnh tăng nhanh và người dân tiếp tục phớt lờ đại dịch thì sắp tới mọi người sẽ có thể phải tranh giành nhau cả giường bệnh lẫn mộ trong nghĩa trang.
* Tại châu Âu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, đà lây nhiễm Covid-19 tại khu vực này đã tăng trở lại sau 6 tuần giảm tốc liên tục. Số ca nhiễm mới tại châu Âu tuần trước tăng 9% và vượt 1 triệu trường hợp. Giới chức ghi nhận đà tăng mới ở Trung Âu và Đông Âu, trong khi nhiều nước Tây Âu vốn có tỷ lệ lây nhiễm cao cũng đang chứng kiến xu hướng tương tự.
Riêng nước Anh, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, báo cáo 4.201.358 ca nhiễm và 124.025 ca tử vong, tăng lần lượt 6.573 và 242 trường hợp trong 24 giờ qua. Anh hiện đang theo dõi tổng cộng 8 biến chủng nCoV, gồm 4 chủng đang được điều tra (VUI) và 4 chủng đáng lo ngại (VOC).
Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 25.279 ca nhiễm và 293 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.835.595 và 87.835.
Đức, vùng dịch lớn thứ mười thế giới, ghi nhận 2.484.306 ca nhiễm và 72.007 ca tử vong do Covid-19, tăng lần lượt 11.410 và 296 ca so với một ngày trước đó. Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 3/3 công bố kế hoạch dần nới lỏng hạn chế phòng dịch, khi các lãnh đạo khu vực và công chúng đang ngày càng mất kiên nhẫn và các doanh nghiệp chật vật tồn tại sau nhiều tháng đóng cửa
Khu vực châu Âu gồm 53 quốc gia thành viên, trong đó 45 nước đã triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19. Thống kê của AFP cho thấy 2,6% dân số Liên minh châu Âu đã được tiêm đủ hai liều vắc xin, trong khi 5,4% người dân nhận được một liều.
* Tại châu Mỹ, theo báo cáo của Ủy Ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc (LHQ), đại dịch Covid-19 đã khiến số người nghèo đói tại khu vực Mỹ Latinh tăng lên 209 triệu người trong năm 2020, tương đương 33,7% dân số của khu vực này và đây là tỷ lệ nghèo đói cao nhất được ghi nhận trong 12 năm qua. Số người nghèo cùng cực là khoảng 78 triệu người, chiếm tỷ lệ 12,5% và là mức cao nhất trong 20 năm trở lại đây.
Cũng theo báo cáo của CEPAL, đại dịch Covid-1919 đã làm trầm trọng thêm các vấn đề cấu trúc của khu vực Mỹ Latinh, gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong 120 năm qua ở khu vực này với GDP giảm 7,7% trong năm 2020, đưa GDP bình quân đầu người trở về mức của 10 năm trước đó.
Đại dịch cũng đã khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ Latinh lên đến 10,7%, tăng 2,6% so với năm 2019. Những nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất là Peru (39,5%), Colombia (21,8%), Argentina (20,9%) và Costa Rica (20,1%).
Tính đến nay, khu vực Mỹ Latinh đã ghi nhận hơn 20 triệu ca nhiễm Covid-19 khiến hơn 635.000 người tử vong. Đây là khu vực chịu tác động mạnh thứ hai trên thế giới, chỉ sau châu Âu, xét theo số ca tử vong trên dân số.
* Tại châu Á, các nước Đông Nam Á tiếp tục ghi nhận nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trung tâm xử lý tình hình Covid-19 của Thái Lan (CCSA) thông báo, nước này ghi nhận thêm 54 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 với đa số là các ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tại Philippines, đã có thêm 2.452 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tại nước này lên tới 584.667 ca, số ca tử vong là 12.404 ca.
Philippines đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp các vắc xin Covid-19 của Pfizer, AstraZeneca và Sinovac. Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) hôm 3/3 trở thành nhà sản xuất thứ 6 nộp đơn xin cấp phép tại nước này.
>>> Interpol triệt phá đường dây phân phối vắc-xin Covid-19 giả ở Nam Phi và Trung Quốc
Tại Indonesia, Bộ Y tế thông báo ghi nhận thêm 7.264 ca nhiễm trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca dương tính tại quốc gia Đông Nam Á này lên 1.361.098 ca, trong đó 36.897 ca tử vong. Thủ đô Jakarta tiếp tục là điểm nóng của dịch bệnh khi có tới 2.009 ca nhiễm mới, cao nhất cả nước, tiếp sau là West Java 1.731 ca, Central Java 591 ca, East Kalimantan 512 ca và East Java 404 ca.
Thứ trưởng Y tế Indonesia Dante Saksono Harbuwono cho biết nước này đã phát hiện hai trường hợp nhiễm biến chủng Covid-19 từ Anh, đặt ra thách thức mới giữa lúc Indonesia cố gắng kiềm chế đại dịch. Nhóm chuyên trách Covid-19 của Indonesia thông báo việc giám sát tại các cửa ngõ đất nước sẽ được siết chặt, nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến chủng có tốc độ truyền nhiễm nhanh hơn này.
Trong khi đó, tại Campuchia, Thủ tướng Hun Sen đã trực tiếp lệnh cho giới chức phải có biện pháp ngăn chặn bất kỳ ai rời khỏi tỉnh Preah Sihanouk. Biện pháp này nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2 từ tỉnh Preah Sihanouk sang các khu vực khác.
Theo thông tin mới nhất, các bộ trưởng kinh tế Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đề xuất cấp chứng nhận chung của cả khối dưới dạng kỹ thuật số về tiêm chủng ngừa Covid-19 để thúc đẩy việc mở cửa trở lại các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch như du lịch.