Châu Âu hứng chịu đợt dịch cúm gia cầm nghiêm trọng nhất từ trước đến nay

(VOH) – Ngày 20/12, các cơ quan y tế cho biết 1 năm qua có khoảng 50 triệu gia cầm nhiễm cúm đã bị tiêu hủy tại các trang trại ở châu Âu, đây là đợt bùng phát dịch "nghiêm trọng nhất" từng thấy.

Châu Âu đang phải đối mặt với một đợt dịch cúm gia cầm tàn khốc, cơ quan y tế hôm thứ Ba 20/12 đã cảnh báo khoảng 50 triệu gia cầm tại các trang trại nhiễm virus ở châu Âu đã bị tiêu hủy trong một năm, và nói rằng đây là đợt bùng phát virus "nghiêm trọng nhất" chưa từng có trên lục địa này.

Từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022, "Châu Âu đã hứng chịu đợt bùng phát cúm gia cầm tồi tệ nhất với mức độ lây nhiễm cao", khiến 37 quốc gia Châu Âu bị ảnh hưởng và hơn 2.500 ổ dịch được phát hiện tại các trang trại trên khắp lục địa, theo báo cáo của Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA), Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) và Phòng thí nghiệm Tham chiếu của Liên minh Châu Âu.

Châu Âu hứng chịu đợt dịch cúm gia cầm nghiêm trọng nhất từ trước đến nay 1
Tiêu hủy gia cầm tại một trang trại ở Pháp. Ảnh: AFP

Trên thực tế, thiệt hại về gà, vịt hoặc gà tây tại các trang trại lớn hơn nhiều so với con số 50 triệu con, vì con số này không bao gồm số lượng gia cầm bị tiêu hủy để phòng ngừa lây lan, cơ quan y tế nói với AFP.

Dịch bệnh đã không giảm kể từ tháng 9 và việc lây nhiễm đang tăng gấp đôi ngay cả khi mùa đông đến gần.

EFSA nhấn mạnh rằng đây là "lần đầu tiên" hai đợt dịch xảy ra liên tiếp do virus không được kiểm soát trong mùa hè. Mùa thu năm nay, dịch bệnh đã trở nên nghiêm trọng hơn so với cùng thời điểm của năm ngoái, với số lượng trang trại bị nhiễm bệnh cao hơn 35%.

Trong thời gian từ 10/9 đến 2/12/2022, gần 400 ổ dịch đã được ghi nhận tại các trang trại ở 18 quốc gia châu Âu, dẫn đầu là Pháp, Anh và Hungary.

Virus cúm cũng đã được phát hiện hơn 600 lần ở các loài chim hoang dã, đặc biệt là các loài sống dưới nước như vịt, thiên nga, và những loài này có thể là nguyên nhân góp phần làm lây lan virus trong các trang trại.

Theo yêu cầu của Ủy ban Châu Âu, EFSA "hiện đang đánh giá tính khả dụng của vaccine HPAI cho gia cầm và kiểm tra các chiến lược tiêm phòng khả thi".

Kết quả của quá trình này rất được các nhà chăn nuôi mong đợi và sẽ được biết vào nửa cuối năm 2023.

Bình luận