Chờ...

Chưa đầy 1 tháng, Ukraine phá hủy gần 50% hệ thống phòng không Nga ở Crimea

VOH - Ukraine đã phá huỷ 2 khẩu đội phòng không hiện đại S-400 bố trí tại Crimea, nơi quân đội Nga đang kiểm soát.

Nga đã bố trí 5 khẩu đội tên lửa đất đối không S-400 cùng các hệ thống radar phòng không hiện đại để bảo vệ khu vực bán đảo Crimea khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt.

Tuy nhiên, trong chưa đầy 1 tháng gần đây, Ukraine đã phá huỷ 2 khẩu đội phòng không hiện đại S-400 trong số đó.

Thắng lợi của Ukraine được các chuyên gia quân sự nhận định cho thấy sự yếu kém trong công tác phòng thủ của Hạm đội biển Đen tại khu vực cảng Sevastopol.

Đợt phá hủy thành công đầu tiên diễn ra ngày 23/8. Lực lượng Ukraine đã tập kích phá huỷ khẩu đội S-400 mà Nga bố trí ở khu vực Cape Tarkhankut trên bờ biển phía tây bắc của Bán đảo Crimea.

Ngày 14/9 một khẩu đội S-400 khác cách thành phố Yevpatoriya gần 60 km về phía nam, cũng đã trở thành mục tiêu tiếp theo bị phá huỷ.

Chưa đầy 1 tháng, Ukraine phá hủy gần 50% hệ thống phòng không Nga ở Crimea 1
Cuộc thử nghiệm tên lửa Neptune vào tháng 4/2020 - Ảnh: Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine

Ukraine tiết lộ đã sử dụng tên lửa hành trình chống hạm phóng từ mặt đất R-360 Neptune phiên bản mới nhất, được sửa đổi để tập kích tổ hợp S-400 của Nga trong các cuộc tấn công trên.

Mục tiêu trước mắt của hải quân Ukraine trong việc tấn công vào những tổ hợp S-400, là nhằm dọn đường cho lực lượng không quân của họ tấn công vào Hạm đội biển Đen đang neo đậu tại Sevastopol do Nga kiểm soát.

Các vụ tấn công gần đây của Ukraine bằng tên lửa Neptune đã dẫn đến sự thiếu hụt các đơn vị S-400 được Nga bố trí bảo vệ cảng Sevastopol, nên khả năng bảo vệ của Hạm đội Biển Đen đã bị tổn hại đáng kể.

Tên lửa hành trình R-360 Neptune của Ukraine là hệ thống tên lửa chống hạm hiện đại. Nó được thiết kế để tấn công các tàu mặt nước và các mục tiêu hải quân ở khoảng cách lên tới 280 km.

R-360 Neptune được Viện thiết kế Luch của Ukraine lần đầu công bố tại một triển lãm quốc phòng ở thủ đô Kiev năm 2014. Tên lửa Neptune cũng chính là vũ khí đã đánh chìm tàu tuần dương hạm Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen vào tháng 4/2022, đánh dấu thành công đầu tiên của vũ khí này.

Tên lửa hành trình R-360 Neptune hoạt động bằng cách kết hợp dẫn đường quán tính và dẫn đường bằng radar chủ động. Nó được trang bị động cơ tên lửa nhiên liệu rắn cung cấp lực đẩy trong suốt chuyến bay. Hệ thống dẫn đường của tên lửa sử dụng các điểm định hướng được lập trình sẵn và cập nhật radar để điều hướng tới mục tiêu. Khi nó đến gần mục tiêu, radar tìm kiếm chủ động sẽ đảm nhận việc tiếp cận mục tiêu một cách chính xác.

R-360 Neptune được chế tạo chủ yếu bằng vật liệu composite nhẹ và bền, được trang bị cảm biến và vũ khí tiên tiến để nâng cao hiệu quả tấn công. Tính năng tìm kiếm radar chủ động của tên lửa có thể phát hiện và theo dõi mục tiêu ngay cả trong điều kiện môi trường phức tạp.

Đầu đạn của tên lửa được thiết kế để xuyên thủng hệ thống phòng thủ của tàu hải quân hiện đại, đảm bảo gây sát thương tối đa khi va chạm.