Họ mang theo số hành lý tối thiểu sau khi nước và lương thực ở miền Bắc Gaza đã cạn kiệt, di chuyển trong khung thời gian 4 giờ mỗi ngày do Israel công bố.
Các quan chức OCHA cho biết, đoàn người gồm trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và họ chủ yếu đi bộ.
Hiện hàng chục ngàn người Palestine vẫn ở lại miền Bắc Dải Gaza, trong đó nhiều người trú ẩn tại các bệnh viện hoặc trường học của Liên Hiệp Quốc. Khu vực này đang trong tình trạng thiếu nhiên liệu, nước và thực phẩm trong những tuần qua.
Hơn 70% trong tổng số 2,3 triệu dân tại Dải Gaza rời bỏ nhà cửa sau khi xung đột giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas nổ ra hôm 7/10.
Theo AP, thành phố lớn nhất Dải Gaza này từng là nơi sinh sống của khoảng 650.000 người trước khi xung đột diễn ra và hiện đang bị lực lượng Israel bao vây.
Cả Israel và Hamas cho đến giờ đều bác bỏ sức ép quốc tế về bước đi ngừng bắn. Israel nhấn mạnh sẽ không làm thế chừng nào con tin chưa được thả. Trong khi đó, Hamas khẳng định sẽ không thả con tin hoặc ngưng bắn trong lúc Dải Gaza vẫn còn bị tấn công.
Giám đốc Chương trình Cứu trợ Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) Philippe Lazzarini đánh giá tình hình ở khu vực phía Bắc Dải Gaza đang giống như “địa ngục trần gian”.
Trong thời gian Israel liên tục không kích, việc tiếp cận nguồn cung cấp thực phẩm và nước uống đã bị cắt đứt do lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.
hiện vẫn còn khoảng 250.000 - 350.000 người ở thành phố Gaza, bao gồm nhiều người đang theo học tại các trường của UNRWA.
Mặc dù Israel tuyên bố mở hành lang để người dân Bắc Gaza sơ tán về phía Nam, nhưng có rất nhiều trẻ em, người già và người bị hạn chế khả năng vận động, chưa kể những người bị thương không thể đi lại.
“Ngay cả các cơ sở của UNRWA - vốn có khả năng bảo vệ - cũng đang là mục tiêu. Hơn 50 cơ sở của chúng tôi đã bị tấn công, với hàng chục người thiệt mạng và bị thương”, ông Lazzarini nhấn mạnh.