COP26: Indonesia phản đối cam kết chấm dứt chặt phá rừng vào năm 2030

(VOH) - Nhiều quan chức Indonesia lên tiếng chỉ trích một số điều khoản trong thỏa thuận toàn cầu cam kết chấm dứt chặt phá rừng vào năm 2030, ngầm thể hiện có thể sẽ không tuân theo thỏa thuận này.

Bộ trưởng Môi trường Indonesia Siti Nurbaya Bakar cho biết nước này “không thể hứa những gì không thể thực hiện”. Bà cũng cho rằng việc buộc Indonesia cam kết chấm dứt hoàn toàn việc chặt phá, khai thác rừng vào năm 2030 là điều “rõ ràng là không phù hợp và không công bằng”.

Mặc dù Tổng thống Joko Widodo đã ký kết thỏa thuận này tại Hội nghị COP26, bà Siti Nurbaya Bakar vẫn khẳng định sự phát triển của đất nước luôn là ưu tiên hàng đầu của Indonesia. Bà cũng cho rằng nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn ở quốc gia vạn đảo phải được phục vụ cho lợi ích của người dân.

Bà Bakar cho biết, sự phát triển to lớn của đất nước dưới thời Tổng thống Widodo không được giới hạn ở các khái niệm như phát thải khí carbon hay chặt phá rừng. “Sự giàu có từ thiên nhiên của Indonesia, bao gồm hệ sinh thái rừng, phải được quản lý và sử dụng theo các nguyên tắc đảm bảo sự bền vững và công bằng”, bà Bakar nói.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia Mahendra Siregar cho rằng việc mô tả thỏa thuận này “không còn chặt phá rừng hoàn toàn” là điều “sai lầm và gây hiểu lầm”.

COP26: Indonesia phản đối cam kết chấm dứt chặt phá rừng vào năm 2030
Bộ trưởng Môi trường Indonesia cho rằng, một trong những lý do nước này phải đốn bỏ rừng là để xây dựng hạ tầng đường sá vì đặc thù địa lý của quốc gia vạn đảo. Ảnh: BBC

Diện tích rừng giảm đi có tác động to lớn đến vấn đề biến đổi khí hậu vì các cánh rừng có tác dụng hấp thụ khối lượng lớn khí CO2.

Thỏa thuận cam kết chấm dứt chặt phá rừng vào năm 2030 được công bố vào thứ Hai tuần này tại Hội nghị thượng đỉnh biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP26) tổ chức tại thành phố Glasgow (Anh), với sự thống nhất từ hơn 100 lãnh đạo của các quốc gia trên thế giới. Đây là thỏa thuận quan trọng đầu tiên được công bố tại sự kiện.

Theo đó, các chính phủ đã cam kết chấm dứt hoạt động chặt phá rừng vào năm 2030; đồng thời dành 12 tỷ USD để bảo vệ và khôi phục các khu rừng thông qua những biện pháp khác nhau. Hơn 30 tổ chức tài chính cũng cam kết dừng đầu tư vào những công ty có liên quan đến chặt phá rừng. Một bộ hướng dẫn mới cũng được đưa ra, vạch rõ lộ trình hướng tới loại bỏ các sản phẩm từ chặt phá rừng khỏi chuỗi cung ứng.

Các chuyên gia hoan nghênh thỏa thuận mới tại COP26 năm nay, tuy nhiên cũng dẫn lại thỏa thuận tương tự vào năm 2014 với kết quả là không đạt được gì trong việc làm chậm tiến trình chặt phá rừng. Theo họ, các cam kết cần thêm các biện pháp rõ ràng hơn để đảm bảo việc thực thi có hiệu quả.

Tại Indonesia, những khu rừng rộng lớn ở đất nước này vẫn đang dần bị thu hẹp, mặc dù tốc độ tàn phá đã chậm lại rõ rệt trong vài năm gần đây.

Theo chuyên trang theo dõi và giám sát rừng toàn cầu, năm 2001 Indonesia có gần 94 triệu ha rừng nguyên sinh - được xác định là những khu rừng nhiệt đới nguyên bản, chưa từng bị chặt phá hoặc trồng lại. Đến năm 2020, diện tích của nhóm rừng nguyên sinh này đã giảm đi ít nhất là 10%.