Tuy nhiên, trước quyết định mở cửa lại trường học, hiệp hội giáo viên ở Jakarta đã kêu gọi cần thận trọng và lên tiếng cảnh báo về các nguy cơ bùng phát dịch tại các lớp học, nhất là khi biến chủng Delta có tốc độ lây lan kinh hoàng như hiện nay.
Hiện tại, tỷ lệ nhiễm Covid-19 ở Jakarta đã được kéo giảm kể từ sau khi đạt đỉnh dịch vào tháng trước, khiến Indonesia trở thành tâm dịch Covid-19 của toàn châu Á với hơn 4 triệu ca nhiễm và 131.000 trường hợp tử vong.
Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cho biết có 610 trong tổng số 10.000 trường học được đánh giá là an toàn đã mở cửa trở lại cho khoảng 50% học sinh, sau từng bước thử nghiệm hoạt động lại vào tháng 4 vừa qua.
“Nhiều vấn đề liên quan đến đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát”, ông Anies Baswedan nói.
Ông cũng cho biết thêm, việc tiêm chủng khi quay trở lại trường học là không bắt buộc. Hiện có đến 91% trẻ em độ tuổi từ 12 đến 18 ở Jakarta và 85% nhân sự phục vụ giáo dục đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Bên cạnh đó, thủ đô 10 triệu dân của Indonesia cũng đã gần đạt 70% dân số tiêm vaccine Covid-19.
Em Zhafira Tsamara Ufaira Azza, 6 tuổi, vô cùng phấn khích khi được quay trở lại trường học. Dù theo quy định hiện tại thì học sinh chỉ được đến trường 1 ngày/tuần theo hình thức xoay vòng và còn lại vẫn phải học online nhưng với em thì điều này vẫn rất hạnh phúc.
“Con sắp được gặp lại bạn bè và thầy cô giáo”, em nói.
Mặc dù vậy, mẹ của Zhafira là cô Endang Sugiarti, 35 tuổi, cho biết cô vẫn còn lo lắng nhiều về biến chủng Delta.
“Tuy nhiên vì việc học của con, chắc tôi cũng sẽ thử cho cháu đi học lại xem sao”, cô Endang Sugiarti nói.
Bộ trưởng Giáo dục Indonesia - ông Nadiem Makarim tuần trước cũng kêu gọi các trường học mở cửa trở lại để công tác giáo dục sớm được khôi phục.
“Các mục tiêu giáo dục bị kéo giảm, rất nhiều học sinh nghỉ học, đặc biệt là trẻ em gái ở một số địa phương. Không đi học sẽ kéo theo các ảnh hưởng nghiêm trọng vĩnh viễn về sau”, ông nói.
Mặc dù vậy, ông Heru Purnomo thuộc Hiệp hội Giáo viên Indonesia lại cho rằng việc mở cửa trở lại nhiều trường học sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo dữ liệu chính thức, khoảng 1% số ca tử vong vì Covid-19 và 13% số ca nhiễm ở Indonesia là trẻ em vị thành niên.
“Điều này có thể tạo thêm nhiều ổ dịch mới, và có thể thêm nhiều trẻ em nhiễm bệnh và tử vong”, ông Heru Purnomo cho biết.