Hội nghị COP26: ​"Cơ may cuối cùng và tốt nhất" để đạt mục tiêu khí hậu?

​(VOH) - Hội nghị COP26 được kỳ vọng sẽ là "cơ may cuối cùng và tốt nhất" để khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tối ngày 1/11 (giờ Việt Nam), hơn 200 các nhà lãnh đạo các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã tham gia cuộc gặp thượng đỉnh của Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) tại thành phố Glasgow (Vương quốc Anh).

Hội nghị COP26 lần này được kỳ vọng là cơ hội sau cùng để các nhà lãnh đạo trên thế giới đưa ra kế hoạch hành động cụ thể nhằm thúc đẩy các nỗ lực nhằm không chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở hơn 1,5 độ C trong thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, mục tiêu này có đạt được không? vẫn là câu hỏi còn để ngỏ.

hoi-nghi-cop26-​co-may-cuoi-cung-va-tot-nhat-de-dat-muc-tieu-khi-hau-voh.com.vn-anh1
Các nhà hoạt động vì môi trường kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu tại Glassgow, Anh hôm 28/10. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu khai mạc hội nghị COP26 tại thành phố Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh), Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), ông Sharma đã nhấn mạnh hội nghị này sẽ là "cơ may cuối cùng và tốt nhất" để khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. 

Trên thực tế, các tác động của biến đổi khí hậu đã thể hiện rõ trên khắp thế giới, dưới nhiều hình thức như lũ lụt, bão, cháy rừng và các mức nhiệt độ kỷ lục. Ông nhấn mạnh: "Hành tinh của chúng ta đang thay đổi theo hướng xấu đi", và nếu con người không hành động ngay bây giờ và hành động cùng nhau, trái đất sẽ bị phá hủy.

Chính vì thế, trong 2 ngày của phiên thảo luận cấp cao, các nhà lãnh đạo thế giới đã đưa ra các cam kết quốc gia và đề ra những hành động trong nước và quốc tế, nhằm giảm mức phát thải. Trong đó, mục tiêu cuối cùng được các nhà lãnh đạo đề ra là giới hạn mức gia tăng nhiệt độ trái đất ở ngưỡng 1,5 độ C và đạt mức phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu vào năm 2050 theo Hiệp định Paris.

​Theo các chuyên gia khí hậu, chỉ có hành động một cách mạnh mẽ trong 10 năm tới mới giúp giảm các tác động ngày càng thảm khốc của biến đổi khí hậu. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đã ấn định giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu "dưới ngưỡng" 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, và tốt nhất là 1,5 độ C. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề phải giải quyết sau thỏa thuận này, trong khi nỗ lực giảm khí thải thời gian qua chưa đủ để ngăn chặn sự ấm lên toàn cầu đang ngày càng nghiêm trọng. Vào tuần trước, LHQ đã công bố một báo cáo cho thấy ngay cả với các cam kết cắt giảm CO2 tham vọng nhất gần đây, nhiệt độ toàn cầu vẫn tăng thêm 2,7 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và đây là "thảm họa".

​Tại lễ khai mạc, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cần hành động ngay để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu trước khi quá muộn, và thực hiện các bước cụ thể để loại bỏ dần than đá, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe chạy điện, ngăn chặn nạn phá rừng, và hỗ trợ tài chính các quốc gia đang phát triển trong cuộc khủng hoảng khí hậu.

Một tín hiệu đáng mừng là trong ngày thứ 5 của hội nghị (4/11), Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã chứng kiến những cam kết mạnh mẽ. Một ngày trước khi diễn ra phiên họp, đã có hơn 40 quốc gia trên thế giới trong đó Ba Lan, Việt Nam và Chile đã đưa ra cam kết từ bỏ sử dụng than đá - một trong những “thủ phạm” có vai trò chính làm biến đổi khí hậu. 

Theo Bộ trưởng Thương mại và Năng lượng Anh Kwasi Kwarteng, việc chấm dứt sử dụng than đá đã nằm trong tầm tay. Thế giới đang đi đúng hướng, sẵn sàng chấm dứt đời sống của than đá để đón nhận những lợi ích kinh tế và môi trường  mang lại nhằm xây dựng một tương lai chịu sự chi phối của năng lượng sạch. Thủ tướng Anh Johnson cũng đã cam kết tăng tài chính khí hậu của Anh thêm 1 tỷ bảng (hơn 1,3 tỷ USD) vào năm 2025 nếu nền kinh tế nước này phát triển như dự kiến.

Một tín hiệu vui nữa, đó là việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thái tử Anh Charles đã đồng phối hợp chủ trì một phiên họp với các nhà lãnh đạo toàn cầu thúc đẩy sáng kiến “Vạn Lý Trường Thành Xanh”. Đây là dự án trồng lại rừng trên một dải đất rộng băng ngang qua 11 nước châu Phi từ đông sang tây, nhằm ngăn chặn đà phát triển của sa mạc ở vùng Sahel và vùng Sahara, góp phần giảm tác động biến đổi khí hậu trên thế giới. Sáng kiến này hướng tới năm 2030 khôi phục 100 triệu hecta đất rừng giữa Senegal ở hướng tây và Djibouti ở hướng đông, tạo ra hàng cây rộng 15 km và dài hơn 8.000 km. Ngoài ra, sáng kiến này cũng kì vọng làm giảm 250 triệu tấn carbon và tạo ra 10 triệu việc làm cho người dân ở các vùng nông thôn thuộc khu vực Sahel. Nếu hoàn thành, bức tường rừng này sẽ dài hơn gấp 3 lần rạn san hô Great Barrier và là cấu trúc đơn lớn nhất tạo bởi sinh vật sống trên Trái Đất.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra đối với COP26. Bộ trưởng Thương mại và Năng lượng Anh Kwasi Kwarteng thừa nhận, hiện vẫn còn bất đồng rất lớn giữa các nước thành viên tham gia hội nghị về vấn đề giảm thiểu sử dụng năng lượng hóa thạch. Bởi đến nay, những quốc gia phụ thuộc nhiều vào than đá nhưAustralia, Ấn Độ, Trung Quốc vẫn chưa xác nhận cam kết. Trong khi đó, Chủ tịch hội nghị COP26 Alok Sharma đã không giấu nổi nỗi thất vọng khi cho biết, sau 5 ngày họp, chính phủ các nước vẫn không thể đáp ứng được mục tiêu tài chính 100 tỷ usd năm đã được cam kết từ nhiều năm trước đó nhằm hỗ trợ các nước nghèo thích ứng biến đổi khí hậu. Theo ông Alok Sharma, mức đóng góp 100 tỷ usd/ năm của các nước giàu cho các nước nghèo có lẽ phải đến 2023 mới thực hiện được.

​Theo Hiệp định Paris được ký kết tại Hội nghị COP21 ở thủ đô nước Pháp năm 2015, các nhà lãnh đạo thế giới cam kết giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C hoặc càng gần mức 1,5 độ C càng tốt. Kể từ Cách mạng Công nghiệp, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 1,1 độ C và chỉ có việc cắt giảm khí thải nghiêm ngặt mới giữ được mức tăng đó ở ngưỡng 1,5 độ C.

Một báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới được công bố vào đúng ngày khai mạc Hội nghị COP26, 31/10, cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan, gồm các đợt nắng nóng và lũ lụt nghiêm trọng đã xảy ra thường xuyên hơn, và từ năm 2015 đến nay thế giới đã trải qua 7 năm liền nóng nhất trong lịch sử.

Bình luận