Croatia thông qua luật coi việc sát hại phụ nữ là tội diệt chủng

VOH - Ngày 14/3, Quốc hội Croatia đã thông qua những thay đổi trong bộ luật hình sự, coi việc giết phụ nữ vì giới tính của họ là tội diệt chủng.

Croatia trở thành quốc gia thứ ba trong Liên minh châu Âu sau Síp và Malta công nhận tội diệt chủng phụ nữ.

Động thái coi tội giết phụ nữ là một hành vi phạm tội hình sự cụ thể sau cái chết của sinh viên luật 20 tuổi Mihaela Berak vào tháng 9/2023. Cô bị bắn chết bởi một sĩ quan cảnh sát mà cô từng hẹn hò một thời gian ngắn.

Cái chết của Berak đã gây ra các cuộc biểu tình trên khắp Croatia và yêu cầu bộ luật hình sự quy định rõ rằng, tội giết hại phụ nữ là một tình tiết tăng nặng, đòi hỏi các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc và án tù dài hạn.

giết người
Ảnh minh họa: Freepik

Thủ tướng Andrej Plenkovic cho biết: “Những thay đổi này sẽ bảo vệ quyền, sự an toàn và phẩm giá của phụ nữ, đồng thời gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng bạo lực đối với phụ nữ là không thể chấp nhận được”.

Theo luật mới, bất kỳ ai bị kết tội bạo lực đối với phụ nữ đều phải đối mặt với án tù từ 10 đến 40 năm, hình phạt khắc nghiệt nhất được quy định theo luật Croatia.

Các tổ chức phi chính phủ Croatia cho biết, quốc gia Balkan này có tỷ lệ giết hại phụ nữ bình quân đầu người cao thứ ba trong 27 quốc gia EU.

Theo số liệu của EU, năm ngoái, 2.300 phụ nữ ở châu Âu đã chết vì bạn tình hoặc thành viên gia đình. Có 12 vụ giết người như vậy xảy ra ở Croatia, quốc gia có dân số 3,8 triệu người.

Cũng trong ngày 14/3, Croatia đã thông qua dự luật "chống rò rỉ" cấm tiết lộ thông tin về thủ tục tố tụng hình sự. Luật quy định bất kỳ ai tiết lộ “chi tiết về cuộc điều tra hoặc thủ tục thu thập bằng chứng” có thể bị bỏ tù tới 3 năm.

Chính phủ khẳng định, các quy định mới không đề cập đến các nhà báo mà thay vào đó tập trung vào các quan chức tư pháp, cảnh sát, luật sư và nhân chứng.

Nhưng các nhà báo nói rằng, dự luật sẽ ‘bịt miệng’ các nguồn tin của họ và hạn chế thông tin do người tố cáo cung cấp, khiến việc đưa tin về các vấn đề tham nhũng và công vụ ngày càng khó khăn hơn.

Bình luận