Israel bác bỏ cáo buộc "diệt chủng", khẳng định chỉ tự vệ
Ngày 12/1, trước Tòa án Công lý Quốc tế của Liên Hiệp Quốc (ICJ), Israel đã bác bỏ những cáo buộc mà nước này cho là "sai trái" và "bị bóp méo một cách trắng trợn" từ phía Nam Phi khi cho rằng chiến dịch quân sự của Israel ờ Gaza là hành động diệt chủng chống lại người Palestine.
Israel khẳng định hành động của nước này chỉ nhằm tự vệ và tiêu diệt tổ chức vũ trang Hồi giáo Hamas, không nhằm vào người dân Palestine. Israel cũng kêu gọi ICJ bác bỏ vụ kiện với lý do vô căn cứ, và bác đề nghị của Nam Phi yêu cầu Israel đình chỉ chiến dịch quân sự tại Gaza.
Israel cũng khẳng định nước này tôn trọng luật pháp quốc tế và có quyền tự vệ. Luật sư Malcolm Shaw của Israel khẳng định: "Không có diệt chủng gì ở đây."
Trước đó vào ngày 11/1, ICJ đã bắt đầu phiên điều trần đầu tiên sau khi Nam Phi đệ đơn kiện Israel với cáo buộc phạm tội "diệt chủng" chống lại người Palestine ở Dải Gaza. Theo giới quan sát, vụ kiện tại ICJ sẽ làm tăng thêm áp lực quốc tế lên Tel Aviv nhằm thu hẹp quy mô hoặc chấm dứt chiến dịch tấn công mà họ đang tiến hành ở Gaza.
Nổ mỏ than ở Trung Quốc, hàng chục người chết và mất tích
Một vụ nổ đã xảy ra tại mỏ than ở thành phố Bình Đỉnh Sơn, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc vào chiều 12/1 (giờ địa phương) khiến 8 người thiệt mạng, Tân Hoa Xã dẫn nguồn từ chính quyền địa phương đưa tin.
Tại thời điểm xảy ra vụ việc, có tổng cộng 425 người đang làm việc dưới lòng đất. Theo cơ quan chức năng, có 380 người được đưa ra khỏi khu mỏ trên và hiện vẫn còn 15 người mất tích.
Theo điều tra sơ bộ, nguyên nhân vụ nổ là do than và khí đốt phát nổ. Công tác cứu hộ đang được nhanh chóng triển khai và cơ quan chức năng cũng đã mở cuộc điều tra sâu rộng về vụ việc.
Ukraine và Anh ký thỏa thuận an ninh lịch sử
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 12/1 đã ký một thỏa thuận hợp tác an ninh song phương tại Điện Mariinskyi ở Kiev. Đây là một phần trong nỗ lực bảo đảm an ninh cho Ukraine đã được các nước khối G7 thống nhất tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Litva hồi tháng 7 năm ngoái; và Anh là nước ký kết đầu tiên với Ukraine.
Tổng thống Zelensky và Thủ tướng Sunak cho biết thỏa thuận quy định thời hạn hiệu lực là 10 năm và có khả năng gia hạn. Tuy nhiên, nếu Ukraine gia nhập NATO trước khi hết hạn các cam kết an ninh, thỏa thuận sẽ chấm dứt và được đưa vào hệ thống NATO.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm Kiev, ông Sunak tuyên bố Anh sẽ viện trợ quân sự cho Ukraine 2,5 tỷ bảng Anh (3,1 tỷ USD).
EU lập quỹ quốc phòng trị giá gần 200 triệu USD
Ngày 12/1, Ủy ban châu Âu (EC) và Quỹ Đầu tư châu Âu (EIF) đã công bố thành lập quỹ cổ phần trị giá 175 triệu euro (191,57 triệu USD) để thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
Quỹ mới có tên đầy đủ là Quỹ Cổ phần Quốc phòng (DEF), đặt mục tiêu huy động được khoảng 500 triệu euro thông qua thu hút vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm.
Việc thành lập quỹ cổ phần quốc phòng là một phần trong nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm tăng cường vai trò đối với các quyết định về chính sách quốc phòng và kiểm soát đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực này trong trường hợp xảy ra các mối đe dọa an ninh nội bộ và các cuộc xung đột vũ trang ở các khu vực gần châu Âu.