Chờ...

Cùng chờ đón siêu trăng, nguyệt thực toàn phần xuất hiện cùng lúc vào ngày 26/5

(VOH) - Hiện tượng nguyệt thực đầu tiên của năm 2021 sẽ diễn ra vào rạng sáng ngày 26/5. Tuy nhiên, sự kiện này còn vô cùng đặc biệt bởi cùng lúc với nguyệt thực còn là sự xuất hiện của siêu trăng.

Hiện tượng nguyệt thực là gì? 

Trước hết, chúng ta phải hiểu rằng Mặt trăng không tự phát ra ánh sáng mà nó chỉ phản xạ lại ánh sáng của Mặt trời chiếu vào.

Nguyệt thực chỉ có thể xảy ra vào dịp trăng tròn (ngày rằm) và chỉ khi Mặt trăng đi qua một số vùng của bóng Trái đất vào thời điểm Mặt trời, Trái đất và Mặt trăng đứng thẳng hàng - hoặc gần thẳng hàng với nhau, trong đó Trái đất đứng giữa. Lúc này, Mặt trăng bị Trái đất che khuất; hay nói cách khác, Mặt trăng không nhận được ánh sáng từ Mặt trời và trở nên tối dần đi.

Phần bóng của Trái đất gồm hai phần hình nón, trong đó phần này nằm bên trong phần kia. Bên ngoài là vùng bóng nửa tối (Penumbra) - là khu vực mà Trái Đất chỉ chắn được một phần ánh sáng Mặt trời. Ngược lại, vùng bóng tối bên trong (Umbra) là khu vực Trái đất chắn tất cả ánh sáng trực tiếp từ Mặt trời trên đường đến Mặt Trăng.

Hiện tượng nguyệt thực thường được chia làm 3 loại: nguyệt thực nửa tối, nguyệt thực một phần và nguyệt thực toàn phần. 

Nguyệt thực nửa tối xảy ra khi Mặt trăng đi vào vùng bóng nửa tối (Penumbra) của Trái đất. Lúc này Mặt trăng chỉ giảm độ sáng đi một chút.

Nguyệt thực một phần xảy ra khi Mặt Trăng chỉ có một phần ở vùng bóng tối của Trái Đất. Mặt Trăng bị che khuất một phần và dễ dàng quan sát được bằng mắt thường.

Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt trăng đi vào vùng bóng tối (Umbra) của Trái Đất và bị che khuất hoàn toàn. 

Cùng chờ đón siêu trăng và nguyệt thực toàn phần xuất hiện cùng lúc vào ngày mai
Vị trí của Mặt trời, Trái đất, và Mặt trăng trong một nguyệt thực. Bóng tối của Trái đất gồm 2 phần: phần bóng tối (Umbra) và phần bóng nửa tối (Penumbra).

Khi một nguyệt thực diễn ra, cư dân tại mặt đêm của Trái Đất có thể nhìn thấy được. Khoảng 35% nguyệt thực thuộc dạng nguyệt thực nửa tối, là loại nguyệt thực rất khó để nhận ra ngay cả với kính thiên văn. 30% tiếp theo là nguyệt thực một phần, có thể nhận ra dễ dàng bằng mắt thường. 35% còn lại là nguyệt thực toàn phần, và đây là một sự kiện phi thường luôn được trông đợi và sẽ diễn ra vào ngày mai 26/5, tức rằm tháng Tư âm lịch. 

Thế nào là siêu trăng? 

Được coi là vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất, quỹ đạo di chuyển của Mặt trăng quanh Trái đất không tròn vành vạnh mà đi theo hình elip. Trong quỹ đạo đó luôn xuất hiện điểm cực cận (vị trí Mặt trăng gần Trái đất nhất) và điểm cực viễn (vị trí Mặt trăng xa Trái đất nhất).

Khi Mặt trăng nằm gần hoặc ngay điểm cực cận, Mặt trăng lúc đó sẽ sáng hơn và có kích thước lớn hơn khi nhìn từ Trái đất. Đây được gọi là hiện tượng Siêu trăng, hoặc Siêu Mặt trăng (Supernoon).

Khi hiện tượng siêu trăng xuất hiện, Mặt trăng được cho rằng sáng hơn 30% và lớn hơn 14% so với kích thước của chính nó khi ở điểm cực viễn. Khoảng cách giữa điểm cực cận và cực viễn vào khoảng 45.000 km.

Về mặt cảm quan bằng mắt thường, sự khác nhau giữa hiện tượng siêu trăng và trăng tròn bình thường tương đối khó nhận ra, trừ khi bạn đặt hai bức ảnh chụp hai hiện tượng này cạnh nhau và nhận xét.

Cùng chờ đón siêu trăng và nguyệt thực toàn phần xuất hiện cùng lúc vào ngày mai
Nếu siêu trăng nằm gần đường chân trời thì sẽ cho cảm giác hình ảnh lớn hơn. Đây là ảo giác do mắt người “so sánh” kích thước Mặt trăng với các vật nhỏ hơn như tòa nhà, lùm cây, dãy núi khiến chúng ta có cảm giác Mặt trăng lớn hơn bình thường.  

Vì sao xuất hiện “trăng máu”?

Theo lý giải của các nhà khoa học, hiện tượng này xảy ra là do ánh sáng Mặt trời - vốn chứa tất cả các màu có thể nhìn thấy được - đã “lượn” qua bầu khí quyển Trái đất và phản chiếu lên Mặt trăng. Trong hành trình đó, ánh sáng sẽ bị lọc bởi không khí và khói bụi trên Trái đất. Ánh sáng có bước sóng ngắn sẽ bị lọc ra, chỉ còn lại ánh sáng có bước sóng dài xuyên qua, đến được Mặt trăng.

Trong đó, ánh sáng đỏ có bước sóng dài nhất nên khi hiện tượng nguyệt thực toàn phần xảy ra thì Mặt trăng có màu đỏ, hay còn gọi là trăng máu.

Đây chính là hiện tượng tán xạ Rayleigh, đồng thời cũng là nguyên nhân khiến bầu trời Trái đất vào ban ngày trông có màu xanh lam nhạt, trong khi bình minh và hoàng hôn lại thường có màu cam đỏ.

Ngoài ra, một số bất thường trên Trái đất cũng có thể là nguyên nhân khiến Mặt trăng trông có màu đỏ hơn. Đó có thể là núi lửa phun trào khiến cho một lượng bụi lớn được “phóng” vào bầu khí quyển. Lúc này, bầu khí quyển Trái Đất sẽ “lọc” ánh sáng mạnh hơn khiến cho màu đỏ của Mặt Trăng thêm đậm. 

Khi nguyệt thực toàn phần xảy ra, nếu Mặt trăng nằm gần đường chân trời thì sẽ có hình ảnh lớn hơn. Đây là ảo giác do mắt người “so sánh” kích thước Mặt trăng với các vật nhỏ hơn như tòa nhà, lùm cây, dãy núi khiến chúng ta có cảm giác Mặt trăng lớn hơn bình thường.  

Cùng chờ đón siêu trăng và nguyệt thực toàn phần xuất hiện cùng lúc vào ngày mai
Siêu trăng máu xuất hiện vào tháng 1/2019. Ảnh: NASA

Ngắm siêu trăng và nguyệt thực ở đâu?

Siêu trăng và nguyệt thực là những hiện tượng khác nhau không phải lúc nào cũng xảy ra cùng một lúc, và ngày mai 26/5 chính là cơ hội tuyệt vời để thưởng ngoạn hiện tượng thiên văn kỳ thú này.

Nguyệt thực toàn phần sẽ có thể nhìn thấy gần mặt trăng ở phía tây lục địa Mỹ và Canada, toàn bộ Mexico, hầu hết Trung Mỹ và Ecuador, tây Peru, nam Chile và Argentina. Dọc theo Vành đai Thái Bình Dương Châu Á, nguyệt thực toàn phần sẽ được nhìn thấy ngay sau khi mặt trăng mọc.

Nguyệt thực một phần, diễn ra khi Mặt trăng di chuyển vào và ra khỏi bóng của Trái đất, sẽ có thể nhìn thấy từ phía đông Mỹ và Canada ngay trước khi Mặt trăng lặn vào buổi sáng và từ Ấn Độ, Nepal, miền tây Trung Quốc, Mông Cổ và miền đông Nga chỉ sau khi Mặt trăng mọc vào buổi tối.

Những người quan sát ở miền đông Australia, New Zealand và quần đảo Thái Bình Dương, bao gồm cả Hawaii, sẽ nhìn thấy nguyệt thực toàn phần và nguyệt thực một phần.

Cùng chờ đón siêu trăng và nguyệt thực toàn phần xuất hiện cùng lúc vào ngày mai

Nếu bạn không thể quan sát siêu trăng máu từ vị trí của mình, bạn vẫn có thể khám phá hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này trực tiếp với Science Visualization Studio của NASA trên website.

Ngoài ra, bạn cũng có thể quan sát trực tiếp siêu trăng máu trên website của các đài quan sát Griffith Observatory; Lowell Observatory và Dự án The Virtual Telescope Project.