Chờ...

Cuộc biểu tình của nông dân lan rộng ở châu Âu

VOH - Nông dân Pháp và Bỉ đã chặn đường cao tốc và đường vào một cảng container lớn vào ngày 30/1 khi các cuộc biểu tình lan rộng khắp châu Âu.

Tại Pháp, những người nông dân đã biểu tình hơn 2 tuần nay để tăng áp lực lên chính phủ bằng cách chặn các đường cao tốc bằng máy kéo gần Paris và đốt những kiện cỏ khô để chặn một phần lối vào sân bay Toulouse.

“Dù điều gì xảy ra, chúng tôi quyết tâm đi đến cùng”, một nông dân tên Jean-Baptiste Bongard nói khi đám đông nông dân tụ tập quanh đống lửa nhỏ trên đường cao tốc ở Jossigny, gần Paris.

Bongard nói: “Nếu phong trào cần kéo dài một tháng thì nó sẽ kéo dài một tháng”.

biểu tình
Một biểu ngữ có nội dung "Macron hãy trả lời chúng tôi" khi nông dân Pháp chặn đường cao tốc bằng máy kéo - Ảnh: Reuters

Tại Bỉ, nông dân đã chặn các con đường dẫn vào cảng container Zeebrugge. Những nông dân tổ chức biểu tình cho biết, họ có kế hoạch cấm tiếp cận cảng Biển Bắc, cảng lớn thứ hai của đất nước, trong ít nhất 36 giờ.

Nông dân Bỉ cũng chặn một quảng trường ở trung tâm Brussels ít nhất cho đến ngày 1/2, khi các nhà lãnh đạo EU gặp nhau tại thành phố để dự hội nghị thượng đỉnh.

Nông dân Tây Ban Nha cho biết, họ sẽ tham gia phong trào và tổ chức biểu tình vào tháng 2.

Các cuộc biểu tình ở Pháp diễn ra sau hành động tương tự ở các nước châu Âu như Đức và Ba Lan.

Nông dân cho biết, họ không được trả đủ lương, bị bóp nghẹt bởi các quy định quá mức về bảo vệ môi trường và phải đối mặt với sự cạnh tranh không công bằng từ hàng nhập khẩu giá rẻ.

Mark Wulfrancke, từ Algemeen Boerensyndicaat của Bỉ cho biết: “Nông dân đang tuyệt vọng, thực sự tuyệt vọng”.

Wulfrancke nói với Reuters: "Chúng tôi muốn sự tôn trọng từ chính phủ của chúng tôi, chính phủ châu Âu. Cách duy nhất để thể hiện sự tôn trọng đó là đưa ra chính sách thân thiện với người nông dân, thân thiện với thực phẩm. Chúng tôi cần một mức giá chính xác".

Tại Pháp, các cuộc biểu tình gia tăng vào ngày 29/1, khi những người nông dân hy vọng hành động của họ và của những nông dân khác ở châu Âu sẽ thu hút sự chú ý của các chính trị gia tập trung vào viện trợ cho Ukraine và ngân sách của khối.

Trong khi cuộc khủng hoảng nông dân chưa chính thức nằm trong chương trình nghị sự, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông sẽ thảo luận vấn đề này với người đứng đầu Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và các nhà lãnh đạo khác.

Phần lớn các quy tắc nông nghiệp, trợ cấp khổng lồ và quy tắc nhập khẩu của khối đều được các quốc gia thành viên và Nghị viện Châu Âu cùng quyết định tại Brussels, cùng với Ủy ban điều hành Châu Âu.

Cảnh giác với các cuộc biểu tình leo thang, chính phủ Pháp đã hủy bỏ kế hoạch giảm dần trợ cấp cho dầu diesel nông nghiệp và hứa sẽ nới lỏng các quy định về môi trường.

“Chúng tôi đã yêu cầu (EU) những điều rất cụ thể cho nông dân của chúng tôi”, ông Macron nói, đồng thời kêu gọi đảm bảo rằng sản phẩm nhập khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn châu Âu.

Những chính sách của EU khiến nông dân phẫn nộ

Hàng nhập khẩu từ Ukraine, quốc gia mà EU đã miễn hạn ngạch và thuế kể từ cuộc xung đột Nga - Ukraine vào tháng 2/2022, cũng như các cuộc đàm phán mới để ký kết thỏa thuận thương mại Mercosur với các nước Nam Mỹ - đã làm dấy lên sự bất bình của nông dân về cạnh tranh không lành mạnh đối với đường, ngũ cốc và thịt.

Pháp muốn "có các biện pháp rõ ràng đối với hàng nhập khẩu từ Ukraine vì có những mặt hàng về số lượng và chất lượng đang gây bất ổn cho thị trường châu Âu, dù là thịt gà hay ngũ cốc" - ông Macron nói.

Trong khi đó, Ủy ban Châu Âu cho biết, họ đang tiếp tục theo đuổi các cuộc đàm phán thương mại với khối Mercosur.

Bộ trưởng Ngoại thương Brazil Tatiana Prazeres cho biết, các cuộc đàm phán đang diễn ra. Nhưng ông Macron khẳng định ông không muốn thỏa thuận này do thiếu sự đảm bảo rằng các sản phẩm nhập khẩu tuân theo các quy tắc tương tự như các quy định của châu Âu.

Một số thành viên EU khác ủng hộ thỏa thuận này và đây sẽ là hiệp định thương mại lớn nhất đối với khối về mặt cắt giảm thuế quan và là một phần trong chiến lược đa dạng hóa thương mại của EU sau cuộc xung đột Ukraine - Nga và mong muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Ông Macron cũng cho biết, ông muốn linh hoạt hơn trong một số quy định nông nghiệp chung của EU, bao gồm cả quy định về đất bỏ hoang. Trong đó, Ủy ban Châu Âu dường như sẵn sàng đưa ra một số thay đổi chính sách, bằng cách đề xuất gia hạn miễn trừ các quy định yêu cầu nông dân bỏ hoang một phần đất đai của họ nếu nộp đơn xin trợ cấp của EU.

Nông dân thường phải đáp ứng một số điều kiện nhất định bao gồm dành 4% đất nông nghiệp cho các khu vực "phi sản xuất" nơi thiên nhiên có thể phục hồi, mặc dù hiện đã có sự miễn trừ tạm thời để ứng phó với những lo ngại về xung đột tại Ukraine và an ninh lương thực.

Quy định 4% đối với đất bỏ hoang là một phần nguyên nhân gây bất bình dẫn đến các cuộc biểu tình ở Pháp và các nơi khác.