Báo chí Úc ngày 11/7 đưa tin, nước này và EU bắt đầu đàm phán tự do thương mại vào năm 2018. Hy vọng sẽ kết thúc vào đầu tháng 7/2023. Tuy nhiên, vẫn còn những khác biệt, nhất là việc EU sẽ mở cửa thị trường như thế nào cho sản phẩm nông nghiệp của Úc, ví dụ thịt bò.
Phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu nói tại Brussels sau cuộc họp giữa 2 phái đoàn: “Chúng tôi rất tiếc vì không thể kết thúc các cuộc đàm phán với Úc trong tuần này. Chúng tôi đã đạt được tiến bộ, nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa, để giải quyết các vấn đề chính”.
Bộ trưởng Thương mại Úc Don Farrell cho biết, quan chức hai bên sẽ tiếp tục làm việc và gặp lại nhau vào tháng 8 tới.
Ông chia sẻ với các phóng viên trong cuộc họp báo ở Brussels: “Như chúng ta đã trao đổi từ lâu, nông sản của Úc cần tiếp cận với thị trường châu Âu. Chúng tôi muốn các thị trường trong EU mở cửa đối với thịt bò, thịt cừu, sản phẩm từ sữa và rượu vang. Phần lớn trong số đó hiện phải chịu thuế quan và hạn ngạch. Tôi tin rằng, với một chút thiện chí, một chút chăm chỉ, và một chút kiên trì, chúng ta sẽ đạt được đồng thuận.”
Được biết hiện nay, hai bên đang tìm cách đa dạng hóa các đối tác thương mại, sau khi cuộc chiến ở Ukraine bùng phát gây khó khăn cho kinh tế EU, cũng như Trung Quốc trừng phạt nhiều mặt hàng xuất khẩu của Úc từ năm 2020.
Một thỏa thuận cũng có thể giúp EU có được nguyên liệu thô quan trọng cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và đẩy mạnh năng lượng tái tạo, nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Úc là nhà sản xuất lithium nhiều nhất thế giới, có trữ lượng lớn các khoáng chất quan trọng khác, như coban, mangan và nguyên tố đất hiếm.
Theo một số chuyên gia, thỏa thuận thương mại tự do với Úc có thể đóng góp tới 3,9 tỷ euro vào tổng sản phẩm quốc nội của EU năm 2030. Những ngành công nghiệp liên quan đến máy móc, kim loại, thiết bị điện tử, hóa chất, ô tô, thực phẩm và đồ uống sẽ được hưởng lợi.
Về phía Úc, các nhà xuất khẩu nông sản và cung cấp dịch vụ sẽ được hưởng lợi, cũng như nhiều cơ hội tiếp cận hơn khi doanh nghiệp Úc đầu tư vào châu Âu.