Bình luận được đưa ra một ngày sau khi Washington cấm công ty Kaspersky của Nga vì cho rằng, công ty này gây ra "rủi ro an ninh quốc gia".
Cùng với việc cấm bán phần mềm chống virus của Kaspersky, Mỹ cũng bổ sung 3 thực thể có liên quan đến công ty này vào danh sách các công ty được coi là gây lo ngại về an ninh quốc gia.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Kaspersky Lab là một công ty có tính cạnh tranh rất, rất cao trên cấp độ quốc tế”.
Ông nói: "Đây là một phương pháp cạnh tranh không lành mạnh được ưa chuộng từ phía Mỹ. Họ luôn sử dụng những chiến thuật như vậy".
Bộ Thương mại Mỹ cho biết, Nga đã sử dụng công ty này để "thu thập và vũ khí hóa thông tin nhạy cảm của Mỹ".
Ngày 21/6, Công ty an ninh mạng Kaspersky phủ nhận ‘mối đe dọa bảo mật’ sau khi Bộ Thương mại Mỹ cấm sử dụng phần mềm của họ tại nước này.
Giám đốc điều hành của Kaspersky - Eugene Kaspersky là người Nga - cho biết, quyết định của Bộ Thương mại Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến khả năng bán và quảng bá các sản phẩm an ninh mạng cũng như chương trình đào tạo của họ ở Mỹ.
Kaspersky có trụ sở chính tại Moscow và có văn phòng tại 31 quốc gia, phục vụ hàng triệu người dùng. Kaspersky tự hào là một trong những sản phẩm chống virus phổ biến nhất thế giới.
Công ty cho biết, họ không thể cố tình lấy dữ liệu nhạy cảm về người Mỹ. Các hoạt động cũng như nhân viên của họ ở Nga chỉ có thể truy cập dữ liệu tổng hợp hoặc thống kê không thuộc về một người cụ thể.
Công ty cho rằng, quyết định của chính phủ Mỹ sẽ mang lại lợi ích cho tội phạm mạng, đồng thời làm giảm quyền tự do của người dùng và các tổ chức trong việc lựa chọn biện pháp bảo vệ mạng mà họ muốn.