Doanh nghiệp Nhật ngày càng khó vì dân số già hóa và thiếu lao động

VOH - Với dân số ngày càng giảm, Nhật - nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang nghiêm túc hơn trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài.

Công ty Fujiya có trụ sở tại thành phố Osaka, chuyên sản xuất máy cắt kim loại nổi tiếng về độ sắc và bền. Tám thợ thủ công người nước ngoài đang làm việc tại nhà máy theo chương trình thực tập sinh kỹ thuật, để duy trì hoạt động của cơ sở có tuổi đời hàng thế kỷ.

Chủ tịch Yasunobu Nozaki của Fujiya nói với báo Nikkei Asia: “Chúng tôi không thể duy trì sản xuất nếu không có các thực tập sinh. Rất khó để tuyển dụng lao động từ thị trường trong nước."

Fujiya là 1 trong nhiều doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng phụ thuộc vào lao động nước ngoài. Nhật Bản có hơn 1,82 triệu lao động nước ngoài vào năm 2022. Số lượng thực tập sinh kỹ thuật khoảng 343.000 người, tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua.

Với dân số ngày càng giảm, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang nghiêm túc hơn trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài, từ những người làm trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ cho đến có kiến thức sâu rộng về công nghệ, như phần mềm hay trí tuệ nhân tạo.

Doanh nghiệp Nhật ngày càng khó vì dân số già hóa và thiếu lao động 1
Lao động nước ngoài đang làm việc tại Nhật

Dân số Nhật Bản hiện là khoảng 124 triệu, được dự đoán sẽ giảm 30% vào năm 2070. Dữ liệu của chính phủ công bố đầu tháng 6/2023 cho thấy, tỷ suất sinh, tức bình quân số con một phụ nữ có trong đời, đạt mức thấp kỷ lục 1,26 vào năm 2022.

Nhiều chuyên gia xã hội gợi ý, chính phủ cần thúc đẩy một xã hội đa dạng, trong đó công dân nước ngoài được tạo điều kiện, để phát huy khả năng. Chính phủ nên cấp quyền cư trú dễ dàng hơn, khi họ là thành viên và có đóng góp tích cực cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế và cho cộng đồng địa phương.

Doanh nghiệp Nhật ngày càng khó vì dân số già hóa và thiếu lao động 2
Nhà máy của Công ty cơ khí Fujiya

Theo Nikkei Asia, chính phủ Nhật Bản hiện đang triển khai các biện pháp thu hút nhân tài toàn cầu, để thúc đẩy nền kinh tế. Thủ tướng Fumio Kishida nói rằng, Nhật Bản sẽ tạo ra một hệ thống hấp dẫn để tiếp nhận lao động có tay nghề.

Tuy nhiên, nhiều yếu tố đang cản trở mục tiêu này. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), mức lương trung bình ở Nhật chỉ tăng 3% từ năm 2001 đến năm 2021. Con số thấp hơn so với 40% ở Hàn Quốc và 29% ở Hoa Kỳ. Mức lương trung bình của các kỹ sư phần mềm ở Nhật Bản năm 2022 thấp hơn 23% so với Singapore, và thấp hơn 17% so với ở Seoul.

Ông Keisuke Yoshida từ công ty Transcend-Learning, một tổ chức giúp các doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm nhân lực quốc tế nói: “Chúng ta cần uyển chuyển hơn. Khi tôi nói chuyện với các sinh viên nước ngoài, họ rùng mình khi thấy N1 là yêu cầu của công việc. N1 là cấp cao nhất trong kỳ thi năng lực tiếng Nhật. Yêu cầu cao như thế này nên được hạ xuống. Tôi cũng nói với các doanh nghiệp, nếu họ muốn có lao động tốt, thì phải trả lương cao hơn."

Bình luận