Nhật Bản khắc phục tình trạng thiếu lao động bằng AI

VOH - Nhật Bản đang đối mặt nguy cơ thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Chính phủ nước này đang lên kế hoạch thúc đẩy sử dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực công nghiệp để khắc phục tình trạng này.

Nhật Bản đang trải qua giai đoạn thay đổi nhân khẩu học đáng báo động, với số lượng người cao tuổi tăng, trong khi dân số ở độ tuổi lao động ngày càng thu hẹp. Điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng nghiêm trọng ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt ở thời kỳ sau đại dịch Covid-19. 

Theo báo cáo của viện nghiên cứu độc lập Recruit Works, Nhật Bản có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hơn 11 triệu lao động vào năm 2040 bởi tình trạng già hóa dân số. 

Để có đủ lực lượng lao động, Nhật Bản đã thực hiện nhiều biện pháp, như thúc đẩy tăng tỷ lệ sinh, thuyết phục những người đang lao động tiếp tục làm việc sau khi về hưu và mở rộng các chính sách về thị thực cho lao động nước ngoài.

Ngoài ra, chính phủ nước này cũng đang lên kế hoạch thúc đẩy việc sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh (AI tạo sinh - Generative Artificial Intelligence) trong lĩnh vực công nghiệp để góp phần giải quyết tình trạng này. Một trong những ví dụ điển hình về ứng dụng AI tạo sinh là ChatGPT nổi tiếng toàn cầu của OpenAI.

Nhật Bản khắc phục tình trạng thiếu lao động bằng AI
ChatGPT là một ứng dụng điển hình của Generative AI điển hình - Ảnh minh họa

Ngày 25/4, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu: "Chúng tôi sẽ thúc đẩy AI tạo sinh bằng cách xác định những thách thức đối với việc sử dụng trong các ngành và thúc đẩy sự phát triển chúng." 

Theo Thủ tướng Kishida, việc sử dụng các công nghệ AI tạo sinh, trong đó có ứng dụng ChatGPT, có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động và cải thiện năng suất.

Ông Kishida cho biết Nhật Bản và công ty OpenAI đã đã thảo luận về quyền riêng tư và bản quyền, cũng như nhu cầu thiết lập các quy tắc quốc tế để phục vụ cho quá trình hợp tác sắp tới.

AI tạo sinh - "nhánh rẽ" được nâng cấp của AI truyền thống - có thể hiểu đơn giản là thuật toán trí tuệ nhân tạo có thể sáng tác và sinh ra nội dung, như ảnh, video, âm thanh, mã code, văn bản.

AI tạo sinh được xem là bước đột phá của trí tuệ nhân tạo. Một ví dụ điển hình về sự khác biệt giữa AI truyền thống và AI tạo sinh là dạy cách nhận biết ảnh của một sinh vật bất kỳ, chẳng hạn như con mèo. Hệ thống AI trước đây có thể nhanh chóng xác định đâu là con mèo trong hàng nghìn bức ảnh ngẫu nhiên nhờ được "dạy" cách nhận dạng hình ảnh. Còn AI tạo sinh đột phá hơn khi nó không chỉ phân loại ảnh mèo mà có thể tạo mô tả về mèo theo yêu cầu, hoặc vẽ ảnh con mèo bất kỳ dựa trên yêu cầu của người dùng.