Cơ cấu lại nền kinh tế để giải bài toán thiếu lao động

(VOH) - Có lẽ đây là lúc các doanh nghiệp đang hết sức bối rối cho bài toán lao động. Hàng loạt thông báo tuyển lao động xuất hiện tại các khu chế xuất-khu công nghiệp.

Theo Sở lao động thương binh xã hội TP, trong quý 1/2010 TP thiếu khoảng 100.000 lao động, trong đó tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực may mặc, giày da, chế biến thiếu rất nhiều. Thông tin này thực sự gây bất ngờ cho nhiều người, kể cả các cơ quan quản lý nhà nước. Việt Nam được xem là quốc gia có số lượng lao động xuất khẩu lớn trên thế giới, số người ở độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu dân số, nhưng giờ đây chính các doanh nghiệp trong nước lại khát lao động phổ thông. Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế TP-Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM còn cho rằng: thiếu lao động ở Việt nam là một nghịch lý. Trong khi các nước đang phải sa thải nhân công hàng loạt để cắt giảm chi phí ở nước ta thì lại thiếu lao động.

Theo một số chuyên gia về lao động, tình trạng này không còn đơn thuần là do công nhân về tết chậm trở lại làm việc mà nguyên nhân sâu xa hơn là công nhân cảm thấy khó sống nếu cố bám trụ ở lại TP. Mặt bằng giá cả ở TP ngày càng đắt đỏ trong khi đồng lương của người lao động tăng không đáng kể. Đời sống vật chất, cả đời sống tinh thần của công nhân thiếu thốn ra sao chắc mọi người đã biết. Trước đây cung thường cao hơn cầu vì vậy chủ doanh nghiệp không chú ý nhiều đến việc giữ chân lao động. Tình hình lúc này đã khác, không một doanh nghiệp nào có thể phủ nhận tầm quan trọng của nguồn nhân lực đối với thành công hay thất bại của một doanh nghiệp. Theo lập luận của một số chủ doanh nghiệp, nếu một công nhân may lành nghề bỏ việc khi đang hưởng mức lương 1,2 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp phải tuyển lao động mới đào tạo để có được một lao động có trình độ tay nghề tương đương thì phải tốn chi phí gần 15 triệu đồng. Hiện tại, cứ tính mỗi doanh nghiệp dệt may sử dụng khoảng 5.000 lao động, với mức biến động lao động 5%/năm, thì chi phí tái đầu tư nhân lực là rất lớn. Hơn nữa trong khi các chi phí lương, bảo hiểm xã hội, chi phí xăng dầu, điện nước đều tăng, việc tăng lương cho người lao động không phải doanh nghiệp nào cũng gánh vác nỗi. Mặc dù, thu nhập có thấp hơn ở TP chút ít, song đời sống của công nhân còn khá và dễ thở hơn nhiều. Chính sự chuyển dịch địa bàn phát triển công nghiệp là một trong những nguyên nhân đã dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp tại TPHCM đang và sẽ thiếu lao động trầm trọng. Do vậy một các nhà chuyên môn cho rằng, lao động không còn là chuyện riêng của doanh nghiệp. TP cần có sự điều chỉnh về cơ cấu kinh tế, cụ thể là tập trung vào các nhóm ngành cần ít lao động. Những doanh nghiệp được cấp phép phải đáp ứng được nhu cầu về tài chánh để đảm bảo trả lương cho công nhân phù hợp với công sức họ bỏ ra. Ông Lê Thành Tâm, giám đốc Sở lao động thương binh và xã hội TP cho rằng:

Bên cạnh yếu tố địa lý trên, sự phát triển như vũ bão của các loại hình kinh doanh dịch vụ với mức lương hấp dẫn, rồi các doanh nghiệp chuyên sản xuất và làm hàng gia công cũng “hút” một lực lượng lao động đông đảo đến làm cho khu vực này. Doanh nghiệp thuộc khối sản xuất vốn hiếm lao động càng trở nên khó tuyển người hơn. Vì lẽ đó các doanh nghiệp cũng nền tìm cho mình một chổ đầu tư, sản xuất phù hợp chứ không nhất thiết phải đầu tư ở TPHCM. Ông Đào Xuân Đức, phó Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) cho rằng:

Thiếu lao động chẳng phải là chuyện riêng của TP, nhưng đối với TPHCM tình tình có vẻ nghiêm trọng hơn. Trong quý 1 vừa qua, có khoảng 6.000 doanh nghiệp mới được cấp phép hoạt động tại TPHCM, chưa kể 74 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhu cầu lao động sẽ tiếp tục tăng nếu tình hình không được cải thiện thì bài toán lao động có lẽ sẽ khó khăn hơn. Bây giờ là thiếu lao động phổ thông, biết đâu nay mai nguồn nhân lực có trình độ cao cũng chuyển dịch về các địa phướng khác. Để giải quyết bài toán thiếu lao động đối với cộng đồng doanh nghiệp trong tương lai gần, nhất các doanh nghiệp khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có thể cũng phải tính đến phương án dịch chuyển nhà máy đến các địa phương khác. Thành phố tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực ít thâm dụng lao động. Có như vậy, các doanh nghiệp khu vực này mới hy vọng không lo bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực như hiện nay./.

Đình Sang