Chờ...

Doanh nghiệp thận trọng khi sử dụng ChatGPT

VOH - Nhiều nhân viên trên khắp nước Mỹ đã bắt đầu sử dụng ChatGPT để xử lý một số phần việc cơ bản, song nhiều tập đoàn đa quốc gia vẫn hạn chế sử dụng chatbot này trong công việc.

Kết quả cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos cho thấy, 28% số người được hỏi cho biết thường sử dụng ChatGPT trong công việc; chỉ 22% cho biết cấp trên của mình cho phép dùng các công cụ liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý công việc; khoảng 10% trả lời rằng cấp trên cấm mọi công cụ AI; và 25% không biết liệu công ty có cho phép sử dụng AI hay không.

Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 11 đến 17/7, với sự tham gia của 2.635 người trưởng thành trên khắp nước Mỹ và có sai số 2%.

Các công ty trên thế giới đang cân nhắc làm cách nào sử dụng ChatGPT hiệu quả nhất. Tuy nhiên, các công ty an ninh và nhiều công ty khác lo ngại rằng chương trình chatbot này có thể dẫn tới những vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

ChatGPT do OpenAI phát triển đã trở thành ứng dụng có lượng người dùng tăng nhanh nhất trong lịch sử kể từ khi được ra mắt vào tháng 11/2022, tuy nhiên cũng vấp phải nhiều tranh cãi, đặc biệt ở châu Âu, khi các nhà quản lý về quyền riêng tư bắt đầu lên tiếng về nguy cơ rò rỉ thông tin từ việc thu thập dữ liệu lớn của ChatGPT. 

OpenAI từ chối bình luận khi được hỏi về tác động của việc người lao động sử dụng ChatGPT, nhưng đảm bảo với các đối tác của mình rằng dữ liệu của họ sẽ không được sử dụng để đào tạo chatbot hơn nữa, trừ khi họ cho phép.

Một số công ty cho biết hiện vẫn sử dụng ChatGPT và các nền tảng tương tự một cách thận trọng và cảnh giác.

Đại diện tập đoàn Coca-Cola cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu thử nghiệm và tìm hiểu cách để AI có thể tăng hiệu quả hoạt động”. Coca-Cola cũng tạo phiên bản ChatGPT nội bộ và đang có kế hoạch sử dụng AI để tăng hiệu quả và năng suất làm việc.

Tại công ty sản xuất đường lớn nhất thế giới Tate &Lyle, Giám đốc Tài chính (CFO) Dawn Allen cho biết công ty đang thử nghiệm ChatGPT và đã “tìm ra cách để sử dụng công nghệ này an toàn”.

Theo ông Allen, công ty có nhiều nhóm khác nhau quyết định họ muốn sử dụng ChatGPT như thế nào sau một loạt thực nghiệm. Có nên dùng ứng dụng này vào quan hệ với nhà đầu tư không? Có nên dùng trong quản lý thông tin không? Dùng như thế nào để thực hiện các nhiệm vụ hiệu quả hơn?...

Trong khi đó, một nhân viên của công ty sản xuất hàng tiêu dùng P&G cho biết: “ChatGPT bị cấm hoàn toàn trên hệ thống văn phòng của công ty”. P&G hiện chưa bình luận gì về việc này.

Doanh nghiệp thận trọng khi sử dụng ChatGPT
Ngày càng nhiều tập đoàn, công ty hạn chế hoặc cấm hẳn việc sử dụng ChatGPT và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công việc - Ảnh: Digital Trends

Một số tên tuổi lớn khác trên thế giới cũng hạn chế sử dụng ChatGPT còn có Samsung của Hàn Quốc và Spotify của Thụy Điển.

Samsung phát triển công cụ AI riêng để nhân viên sử dụng trong việc phát triển phần mềm, dịch thuật và tổng hợp tài liệu. Còn Spotify cũng ra thông báo hạn chế nhân viên của mình sử dụng ChatGPT, theo Financial Times. Động thái này được đưa ra sau khi Spotify xóa hàng chục ngàn bài hát do một công cụ tạo nhạc bằng AI có tên là Boomy tạo ra.

Ông Paul Lewis, phụ trách an ninh thông tin tại công ty an ninh mạng Nominet, cho biết các công ty có lý khi lo lắng vì “thông tin không hoàn toàn được bảo vệ”. Tuy nhiên, ông cho rằng “việc cấm hoàn toàn cũng không phải là cách bảo vệ, mà cần đi từng bước thận trọng”.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc các doanh nghiệp thận trọng với ChatGPT cũng như các ứng dụng AI tương tự không chỉ nằm ở những lo ngại liên quan đến sở hữu trí tuệ, mà còn ở việc thiếu hành lang pháp lý để quản lý việc sử dụng AI, nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân, rủi ro an ninh mạng và phần nào kìm hãm sự sáng tạo của nhân viên.