OpenAI cho biết, tháng 3 vừa qua, một lỗi trong thư viện nguồn mở trên ChatGPT đã gây ra sự cố bộ nhớ đệm, khiến thông tin thanh toán của những người đăng ký ChatGP Plus vô tình hiển thị trong 9 giờ, bao gồm họ tên, địa chỉ thư điện tử, 4 số cuối thẻ tín dụng và ngày hết hạn thẻ.
Tổng cộng 687 người dùng ở Hàn Quốc xác nhận bị ảnh hưởng trong sự cố này.
Theo hãng tin Yonhap, PIPC phạt OpenAI vì vi phạm nghĩa vụ báo cáo sự cố cho nhà chức trách trong vòng 24 giờ sau khi phát hiện. Tuy nhiên, PIPC kết luận OpenAI không phải chịu trách nhiệm về các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân còn lỏng lẻo.
Ngoài ra, PIPC khuyến nghị OpenAI thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự cố tái diễn, tuân thủ luật bảo vệ thông tin cá nhân của Hàn Quốc và tích cực hợp tác với các hoạt động kiểm tra của ủy ban này.
ChatGPT gây sốt trên toàn cầu từ cuối tháng 11/2022 với hơn một triệu người sử dụng chỉ sau một tuần và vượt mốc 100 triệu sau hai tháng theo Similarweb. AI này thu hút 1,5 tỷ lượt truy cập mỗi tháng, mở ra cuộc đua AI tạo sinh trên toàn cầu.
Tuy nhiên, cơn sốt ChatGPT được cho là đang qua nhanh khi lượng người dùng chững lại. Lượng truy cập trang ChatGPT tính trên máy tính và thiết bị di động trong tháng 6 đã giảm 9,7% so với tháng 5.
Ngày 25/7, ứng dụng ChatGPT bắt đầu được đưa lên nền tảng Android thông qua cửa hàng Google Play, nhưng chỉ người dùng ở một số khu vực Mỹ, Ấn Độ, Bangladesh và Brazil có thể sử dụng. Những khu vực khác sẽ được cập nhật dần trong tuần tới.
Việc triển khai ChatGPT cho Google Play diễn ra hai tháng sau khi chatbot này có mặt trên iOS, đánh dấu lần đầu siêu AI có ứng dụng cho thiết bị di động. Khi được công bố cuối năm ngoái, ChatGPT chỉ có phiên bản chạy trên website.