Trong quý 2, lợi nhuận ròng của công ty "mẹ" của Google đạt 23,6 tỷ USD, với doanh thu đạt 84,7 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ riêng dịch vụ điện toán đám mây mang lại doanh thu 10,3 tỷ USD cho Alphabet so với 8 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh thu quảng cáo tìm kiếm cũng tăng từ 42,6 tỷ USD lên 48,5 tỷ USD.
Doanh thu của Alphabet tăng vọt trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại rằng nguồn vốn đổ vào AI có thể không mang lại lợi nhuận đáng kể cho các công ty công nghệ.
Kể từ khi chatbot ChatGPT được ra mắt vào cuối năm 2022, các đại gia trong ngành đã tham gia vào cuộc đua để triển khai các chương trình AI tạo sinh nhằm sản xuất văn bản, hình ảnh và nội dung khác thông qua hoạt động đặt “prompt” cho chatbot.
Prompt, tạm dịch là “đề bài,” là một đoạn văn bản đưa cho chatbot xử lý, thường có dạng một câu hỏi hoặc một loạt những hướng dẫn cụ thể.
Với thành công của mình, Google và tập đoàn công nghệ khác như Amazon, Microsoft cạnh tranh trong lĩnh vực AI đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý ở Mỹ và châu Âu.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng có khả năng và tự chủ hơn, có thể gây nguy hiểm và không dự đoán được, do đó có thể dẫn đến những kết quả ngoài dự kiến của người tạo nên chúng.
Chính vì vậy, việc đặt ra những quy định kiểm soát AI trở nên cấp bách hơn. Đây là nhận định của Giáo sư Jonathan Zittrain thuộc Khoa khoa học máy tính và chính sách công tại Đại học Harvard.
Giáo sư Zittrain cho biết AI hiện có 3 đặc tính: có thể được giao những nhiệm vụ cấp cao, thậm chí mơ hồ mà vẫn độc lập xử lý được; có thể tương tác với thế giới nói chung, sử dụng các công cụ phần mềm khác nhau một cách tùy ý; và có thể hoạt động vô thời hạn nếu người vận hành không dừng chúng lại.
Công nghệ AI giờ đây có thể tiếp thu thông tin từ thế giới bên ngoài và có tác động ngược trở lại vào thế giới. Kết quả là khó có thể biết AI sẽ ra sao môi trường thay đổi do công nghệ này giờ có thể vượt ra khỏi các kỹ năng ban đầu.
Giáo sư Zittrain đề xuất rằng cần sàng lọc các tiêu chuẩn Internet hiện nay. Một giải pháp tiềm năng là áp dụng dán nhãn cho sản phẩm dữ liệu do AI tạo ra, cho phép các nhà thiết kế phần mềm và người dùng được lựa chọn có sử dụng những dữ liệu đó hay không.
Giáo sư Zittrain cho rằng cần có các biện pháp chuẩn hóa đối với AI để dừng hoạt động chúng khi cần thiết. Đối với những sản phẩm AI được thiết kế hoạt động mãi mãi, cần có quy trình kiểm tra, chỉnh sửa thường xuyên hơn, thậm chí yêu cầu đăng ký hoạt động.