Đội ngũ của ông Trump lên kế hoạch rút Mỹ khỏi WHO ngay lập tức?

MỸ - Đội ngũ chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang lên kế hoạch rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dự kiến thực hiện ngay trong ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.

Động thái này phản ánh sự bất đồng lâu nay của ông Trump với WHO và đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách y tế toàn cầu của Mỹ.

Ông Lawrence Gostin, giáo sư về y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown và Giám đốc Trung tâm hợp tác của WHO về Luật Y tế Quốc gia và Toàn cầu, cho biết ông Trump đang chuẩn bị thủ tục để thực hiện việc rút lui này như một phần trong nỗ lực tái định hình chính sách y tế.

Bác sĩ Ashish Jha, cựu điều phối viên ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng, cũng đưa ra dự đoán tương tự, nhấn mạnh rằng đây là động thái nhằm đảo ngược quyết định tái gia nhập WHO của người tiền nhiệm Joe Biden.

Trước đó vào năm 2020, ông Trump đã khởi xướng quá trình rút Mỹ khỏi WHO, cáo buộc tổ chức này "bị Trung Quốc kiểm soát" và không minh bạch trong ứng phó đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, quá trình này bị đình chỉ khi ông Biden nhậm chức vào năm 2021, đưa Mỹ quay lại vai trò thành viên của WHO.

Trong nhiệm kỳ mới sắp tới của mình, ông Trump tiếp tục bổ nhiệm những cá nhân có quan điểm trái chiều với WHO vào các vị trí lãnh đạo quan trọng.

Điển hình là Robert F. Kennedy Jr., người được đề cử làm Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh. Ông Kennedy nổi tiếng với lập trường hoài nghi về vaccine và các biện pháp phong tỏa do WHO khuyến nghị trong đại dịch.

Ông Trump cũng cho rằng các khoản đóng góp của Mỹ cho WHO nên được chuyển sang hỗ trợ các sáng kiến y tế trong nước và các tổ chức từ thiện y tế công cộng toàn cầu khác.

NJ4VFETPCRI6HJGKWODBB6KNM4
Tổng thống đắc cử Donald Trump tham dự một sự kiện ở bang Arizona, ngày 22/12/2024 - Ảnh: REUTERS

Việc Mỹ rút khỏi WHO có thể gây ra nhiều tác động lớn đối với hệ thống giám sát và ứng phó dịch bệnh toàn cầu.

Chuyên gia Lawrence Gostin cảnh báo rằng quyết định này sẽ làm suy yếu WHO một cách nghiêm trọng và tạo cơ hội để Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực y tế toàn cầu. Ông nhận định: “Tôi không thể tưởng tượng một thế giới mà không có một WHO mạnh mẽ. Nhưng việc Mỹ rút lui sẽ làm suy yếu cơ quan này và làm mất đi vai trò lãnh đạo của Washington.”

Tổ chức WHO hiện từ chối bình luận trực tiếp về vấn đề này, nhưng Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ hy vọng rằng quá trình chuyển giao quyền lực tại Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến sự hợp tác quốc tế.

Ông Ghebreyesu cũng nhấn mạnh rằng các quốc gia cần đạt được thỏa thuận đại dịch toàn cầu vào năm 2025.

Theo nghị quyết của Quốc hội Mỹ năm 1948, việc rút khỏi WHO đòi hỏi Mỹ phải thông báo trước một năm và thanh toán các khoản phí còn nợ. Nếu kế hoạch này được thực hiện, Mỹ không chỉ tự cô lập mình trong các nỗ lực hợp tác quốc tế mà còn làm suy yếu hệ thống ứng phó khẩn cấp toàn cầu, tạo ra khoảng trống quyền lực lớn mà các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, có thể lấp đầy.

Bình luận