Động đất mạnh 7,6 độ Richter rung chuyển Papua New Guinea

(VOH) - Ngày 11/9, một trận động đất mạnh 7,6 độ Richter đã làm rung chuyển Papua New Guinea, gây sạt lở đất, hư hại đường sá và phá hủy nhiều tòa nhà.

Theo cơ quan địa chất Mỹ, trận động đất mạnh 7,6 độ Richter khởi phát từ tâm chấn ở độ sâu 90 km gần Kainantu - thị trấn với khoảng 8.500 cư dân, ở phía đông Papua New Guinea vào khoảng 9h45 ngày 11/9 (giờ địa phương). Động đất mạnh đến nỗi thủ đô Port Moresby nằm cách đó 500 km vẫn cảm nhận được rung lắc. Ít nhất 4 người đã thiệt mạng vì động đất, nhiều người khác bị thương cùng cơ sở hạ tầng hư hại nặng.

Hiện tại, thống kê chính thức về thiệt hại của động đất vẫn chưa được công bố, vì khu vực tâm chấn là vùng hẻo lánh của Papua New Guinea.

Mặc dù chính phủ Papua New Guinea chưa công bố số người tử vong, nhưng theo thông tin từ Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo thuộc Liên Hợp Quốc (OCHA) khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có ít nhất 4 người đã thiệt mạng và 4 người khác bị thương. Theo đó, một người tử vong vì sạt lở đất ở khu vực bờ biển Rai, Madang và 3 người khác bị chôn vùi dưới đống đổ nát ở Wau, Morobe.

Hệ thống đường dây điện trong khu vực, đường truyền Internet và đường cao tốc bị hư hại nặng nề. Mất điện diện rộng xảy ra trên toàn bộ khu vực cao nguyên phía đông Papua New Guinea - nơi chịu ảnh hưởng mạnh nhất của động đất. Tuy nhiên sân bay vẫn hoạt động. Nhiều người bị thương vì động đất được di chuyển ngay lập tức đến các cơ sở y tế bằng máy bay.

Trên mạng xã hội, người dân đăng tải hình ảnh và video liên quan đến động đất, trong đó có nhiều hình ảnh đường sá bị nứt vỡ, nhiều tòa nhà bị tàn phá, ô tô bị biến dạng và hàng hóa trên các kệ ở siêu thị thì đổ sập.

Động đất mạnh 7,6 độ Richter rung chuyển Papua New Guinea
Một lớp học ở trường trung học Wawin, gần thành phố Lae bị hư hại sau trận động đất ngày 11/9/2022 ở Papua New Guinea. Ảnh: AFP

Báo cáo của cơ quan Liên Hợp Quốc cũng cho biết, người dân đa số bị thương vì mảnh vỡ của các tòa nhà. Một số cơ sở y tế, nhà dân và cao tốc cũng ghi nhận thiệt hại.

Hệ thống cảnh báo sóng thần của Mỹ cũng đưa ra cảnh báo sau động đất, tuy nhiên may mắn là không có sóng thần xuất hiện. Các quốc gia trong khu vực nằm lân cận Papua New Guinea như Australia cũng chưa ghi nhận rủi ro nào.

Đảo quốc này thường xuyên xảy ra động đất vì nằm trong Vành đai lửa Thái Bình Dương - điểm nóng về các hoạt động địa chất do có sự hoạt động và va chạm thường xuyên giữa các mảng kiến tạo trên lớp vỏ Trái đất. Các nhà khoa học cảnh báo những người dân sống xung quanh vành đai lửa nên nhận thức được mối nguy hiểm. Người dân có thể sống xa hơn trong đất liền, xây dựng nhà ở an toàn hơn, chống được động đất. Đồng thời các quốc gia nên cải thiện hệ thống cảnh báo sớm trên đại dương và đất liền để giảm thiểu rủi ro đến tính mạng.

Bình luận