Ngày 12/2 - tức 6 ngày sau thảm họa động đất nói trên, lực lượng cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đã đưa được cụ bà ra ngoài một cách an toàn và lành lặn.
Theo lực lượng cứu hộ, đây là một điều thần kỳ khi nạn nhân dù cao tuổi nhưng vẫn có thể duy trì thể trạng khỏe mạnh sau suốt 125 giờ không có thức ăn hay nước uống.
Trường hợp của cụ bà tiếp tục thắp lên hi vọng sẽ cứu thêm được nhiều người mắc kẹt dưới những đống đổ nát.
Tính sáng 13/2 (giờ Việt Nam), thảm họa động đất mạnh 7,8 tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria này đã cướp đi sinh mạng của hơn 33.000 người tại cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, trong đó riêng tại Thổ Nhĩ Kỳ là 29.605 người.
Với việc hàng ngàn tòa nhà bị phá hủy tại 10 tỉnh chịu ảnh hưởng của động đất tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi nhiều nơi khác không an toàn để lui tới, việc thiếu các cơ sở vệ sinh trở thành một trong những vấn đề lớn tại nước này.
Ngày 12/2, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết 58 nhà vệ sinh và phòng tắm di động đã được gửi đến các khu vực bị ảnh hưởng, trong khi các nhà sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng đẩy mạnh cung cấp các thiết bị này.
Ngoài vấn đề nhà vệ sinh, việc tiếp cận với nước sạch cũng đang trở nên cấp thiết không kém tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 23 triệu người ở hai quốc gia này có khả năng bị nhiễm bệnh. WHO cũng lo ngại một cuộc khủng hoảng sức khỏe lớn, phát sinh do thực phẩm và nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh, sẽ gây ra nhiều thiệt hại hơn cả trận động đất.
Hiệp hội Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cũng cảnh báo nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm lây lan sau động đất.