Đức tẩy chay dâu tây khiến nông dân Tây Ban Nha gặp khó khăn

VOH - Một chiến dịch do Đức dẫn đầu nhằm tẩy chay dâu tây Tây Ban Nha vì những lo ngại về môi trường đã khiến nông dân Tây Ban Nha phẫn nộ.

Vấn đề liên quan đến nguồn nước ngày càng khan hiếm ở các vùng trồng dâu tây ở miền nam Tây Ban Nha - nơi chính quyền có kế hoạch hợp pháp hóa các trang trại dâu tây bất hợp pháp đã khiến các nhà môi trường lo lắng.

Dẫn đầu bởi nhóm người tiêu dùng Đức - Campact, chiến dịch kêu gọi các siêu thị hàng đầu của Đức như Lidl và Edeka không dự trữ dâu tây được trồng ở Huelva, một tỉnh ở miền nam Andalusia, nơi xuất khẩu trái cây lớn nhất của Tây Ban Nha.

dâu tây
Những người hái dâu đang làm việc trong một nhà kính ở Ayamonte, Huelva, vào ngày 20/5/2022 - Ảnh: AFP

Chiến dịch của Campact chỉ ra một dự thảo luật do chính quyền khu vực đưa ra nhằm hợp pháp hóa các trang trại trồng quả mọng bất hợp pháp gần Công viên Quốc gia Donana, một trong những vùng đất ngập nước lớn nhất và giàu động vật của Châu Âu.

Các nhóm môi trường cho biết, nếu dự luật được thông qua sẽ có thể hợp pháp hóa 1.500 ha cây trồng, hầu hết được tưới bằng các giếng bất hợp pháp, điều này có thể gây nguy hiểm cho tương lai của khu bảo tồn thiên nhiên được UNESCO công nhận hiện đang bị đe dọa bởi sa mạc hóa này.

dâu tây
Dâu tây được đóng gói ở Ayamonte, Huelva - Ảnh: AFP

Hiệp hội nông dân ASAJA cho biết, đây là "cuộc tấn công gay gắt và phi lý vào ngành nông nghiệp của chúng tôi", đồng thời lên án cuộc tẩy chay là "cuộc tấn công vào hàng nghìn nhà sản xuất và gia đình của họ, những người làm việc chăm chỉ quanh năm".

Interfresa, một hiệp hội đại diện cho ngành công nghiệp dâu tây Tây Ban Nha cho biết: “Chiến dịch này ngấm ngầm và có hại cho toàn bộ ngành công nghiệp dâu tây cũng như công nhân của họ”.

Bộ trưởng nông nghiệp của khu vực cho biết, dâu tây từ Huelva đang phải đối mặt với "các cuộc tấn công không công bằng do ý thức hệ", đồng thời cáo buộc chính quyền của Thủ tướng Pedro Sanchez ủng hộ chiến dịch của Đức.

Số liệu của Interfresa cho thấy, Huelva sản xuất 300.000 tấn dâu tây hàng năm, chiếm hơn 90% sản lượng dâu tây của Tây Ban Nha. Ngành này tạo ra 100.000 việc làm trực tiếp.

Đức là thị trường xuất khẩu dâu tây chính của Tây Ban Nha, với doanh thu hàng năm ước tính khoảng 186 triệu euro (200 triệu USD).

Đầu năm 2022, khoảng 20 siêu thị châu Âu, trong đó có Lidl, Aldi và Sainsbury's, đã kêu gọi chính phủ Andalusia gác lại dự luật quả mọng gây tranh cãi.