Tổng thống Daniel Noboa đã ra lệnh "tạm dừng làm việc" vào thứ Năm và thứ Sáu. Ông nói, cuộc khủng hoảng là kết quả của "hoàn cảnh môi trường" nhưng cũng là hậu quả của "những hành vi tham nhũng và sơ suất chưa từng thấy".
Ecuador đã trải qua tình trạng mất điện kéo dài tới 6 giờ. Chính phủ đổ lỗi cho tình trạng này là do các quan chức cấp cao cố ý phá hoại và che giấu mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng.
Một tuyên bố của chính phủ cho biết, hồ chứa phục vụ đập thủy điện Mazar của nước này hoàn toàn cạn nước, trong khi đập Paute gần đó có mức tích trữ là 4%.
Nước tại nhà máy thủy điện lớn nhất Ecuador, Coca Codo Sinclair, thấp hơn 40% so với mức trung bình lịch sử.
Ông Noboa đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong ngành điện và thay thế Bộ trưởng Năng lượng Andrea Arrobo.
Theo tuyên bố của chính phủ, một cuộc điều tra cho thấy, có "dấu hiệu cho thấy các quan chức cấp cao", bao gồm cả ông Arrobo đã "cố tình che giấu thông tin quan trọng đối với hoạt động của hệ thống năng lượng quốc gia".
Chính phủ đã đệ đơn khiếu nại lên văn phòng công tố chống lại 22 "kẻ phá hoại tìm cách làm hại tất cả người dân Ecuador".
Cuộc khủng hoảng điện ở Ecuador trùng hợp với thời điểm nước láng giềng Colombia tạm dừng xuất khẩu điện sang nước này, do các nhà máy thủy điện của Colombia cũng đang ở mức gần mức nguy kịch do hạn hán nghiêm trọng.