EU đề xuất thắt chặt hơn các quy tắc để giảm rác thải bao bì

(VOH) - Ủy ban châu Âu hôm thứ Tư đã đề xuất việc sửa đổi luật pháp của EU để giảm chất thải bao bì.

Đề xuất sẽ được đàm phán giữa các quốc gia Thành viên EU và Thành viên Nghị viện châu Âu (MEP) nhằm mục đích giảm 10% trên mỗi quốc gia và bình quân đầu người vào năm 2035 so với năm 2018, về khối lượng chất thải bao bì ở mỗi quốc gia (từ 15% vào năm 2040), bằng cách tăng việc tái sử dụng bao bì và tỷ lệ tái chế.

Để đạt được điều này, Ủy ban châu Âu (EC) dự định áp đặt "các mục tiêu ràng buộc" đối với các công ty, đặc biệt là trong lĩnh vực ăn uống.

Đến năm 2030, 20% đồ uống nóng và lạnh mang đi "phải được bán bằng bình chứa nằm trong hệ thống ký gửi hoặc người tiêu dùng sẽ phải sử dụng bình đựng riêng của mình", tỷ lệ này sẽ tăng lên 80% vào năm 2040.

Đối với thức ăn mang đi, mục tiêu sẽ là 10% vào năm 2030 và 40% vào năm 2040. Đối với bia bán lẻ, 10% sẽ được bán trong các thùng chứa có thể sử dụng lại vào năm 2030.

Lĩnh vực thương mại điện tử cũng không ngoại lệ, 10% bao bì vận chuyển phải được tái sử dụng vào năm 2030.

EU đề xuất thắt chặt hơn các quy tắc để giảm rác thải bao bì 1
Ảnh minh họa: AFP

Ủy ban điều hành châu Âu đề xuất thiết lập các tiêu chuẩn chung về định dạng bao bì có thể tái sử dụng, thiết lập hệ thống ký gửi "bắt buộc" đối với chai nhựa và lon nhôm, cũng như làm rõ hơn điều kiện đóng nhãn bao bì.

Các nhà sản xuất bao bì nhựa cũng sẽ bị ràng buộc về tỷ lệ tối thiểu hàm lượng tái chế, khi mà khung pháp lý mới sẽ điều chỉnh việc sản xuất bao bì từ nhựa có nguồn gốc sinh học, phân hủy sinh học và có thể phân hủy, với mục tiêu là tạo ra bao bì "có thể tái chế hoàn toàn".

Ngoài ra, Brussels còn đề xuất cấm một số loại vật dụng dùng để chứa “hoàn toàn vô ích” như bao bì dùng một lần cho thực phẩm và đồ uống được tiêu thụ trong nhà hàng và quán cà phê, bao bì thứ cấp cho đồ hộp, bao bì dùng một lần cho trái cây và rau quả, hoặc các chai dầu gội nhỏ gọn hay sử dụng trong khách sạn,...

Ủy ban nêu rõ rằng các biện pháp này cũng sẽ áp dụng cho các sản phẩm nhập khẩu, và cung cấp các miễn trừ có thể có cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (khoảng 10 nhân viên trở xuống).

Những thông báo này đã được các tổ chức phi chính phủ đón nhận một cách thận trọng, họ đã hoan nghênh một "sự thay đổi thiết yếu" nhưng cũng lên án việc "hạ thấp" các tham vọng ban đầu của Ủy ban. Cục Môi trường Châu Âu cũng lấy làm tiếc khi Uỷ ban đã hạ thấp các mục tiêu tái sử dụng và từ bỏ lệnh cấm chất polystyrene, một chất đang trên đà được sử dụng rộng rãi trong giao thông vận tải.

Trung bình, mỗi người châu Âu tạo ra 180kg chất thải bao bì mỗi năm. Ngoài ra, có đến khoảng 40% nhựa và 50% giấy tiêu thụ ở EU là dùng để đóng gói.

Ủy ban ước tính nếu không hành động, EU sẽ chứng kiến ​​lượng rác thải bao bì tăng thêm 19% vào năm 2030 và thậm chí 46% đối với rác thải nhựa.

Theo Uỷ ban, việc áp dụng các biện pháp được đề xuất sẽ giúp giảm mức tiêu thụ nước và cắt giảm 3,1 triệu tấn nhu cầu nhiên liệu hóa thạch của EU mỗi năm (1/4 khối lượng hiện cần để sản xuất bao bì nhựa).

Bình luận