Trong tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh ngày 14/6, các lãnh đạo G7 (Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Ý) cho rằng Trung Quốc đang tiếp tục hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng Nga và giúp nước này duy trì chiến dịch tại Ukraine, đồng thời gây ra "những tác động nghiêm trọng và rộng rãi về an ninh".
"Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc ngừng chuyển giao trang thiết bị và linh kiện lưỡng dụng cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga", tuyên bố chung có đoạn, đề cập tới những thiết bị có thể dùng cho cả mục đích quân sự và dân sự.
Các lãnh đạo G7 cũng dọa tiến hành các động thái mới, trong đó có áp đặt lệnh cấm vận, để trừng phạt những thực thể Trung Quốc bị nghi đang giúp Nga lách lệnh cấm vận của phương Tây.
Giới chức Mỹ từng cáo buộc Trung Quốc giúp Nga mở rộng hoạt động sản xuất quốc phòng thông qua xuất khẩu chất bán dẫn, nguyên liệu và công cụ máy móc, tạo điều kiện để Moskva tăng sản lượng xe tăng, thiết giáp và đạn dược.
Trung Quốc bác bỏ cáo buộc, khẳng định không cung cấp vũ khí cho Nga hay Ukraine, cũng như luôn duy trì kiểm soát chặt chẽ với hoạt động xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng.
Cũng trong tuyên bố chung, nhóm G7 thể hiện lập trường cứng rắn hơn với các chính sách kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề sản xuất công nghiệp dư thừa. Các lãnh đạo G7 cam kết sẽ hành động chống lại "các hành vi không đẹp", nhằm "tạo ra sân chơi công bằng và khắc phục các thiệt hại".
G7 phản đối hành động của Trung Quốc mà nhóm cho là nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
Hãng tin AFP dẫn lại tuyên bố của G7 và cho rằng tuyên bố năm nay đã sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ hơn so với hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản năm 2023.
G7 cho biết khối này "quan ngại sâu sắc" về vấn đề an ninh rộng lớn hơn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.