Gần 1 triệu đơn xin tị nạn EU trong năm 2022, cao nhất trong 6 năm qua

VOH - Trong năm 2022, số đơn xin tị nạn ở EU đạt 996.000 đơn, mức cao nhất trong 6 năm qua. Khoảng 4 triệu người Ukraine đi sơ tán tại EU do xung đột không được tính trong số này.

Ngày 4/7, Cơ quan tị nạn Liên minh châu Âu (EUAA) công bố báo cáo hàng năm cho biết, số đơn xin tị nạn tại EU trong năm 2022 đạt 996.000 đơn, chủ yếu là của người Syria, Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela và Colombia.

Ngoài ra, có khoảng 4 triệu người Ukraine đi sơ tán tại EU do xung đột không được tính trong số này - do họ thuộc quy chế bảo vệ tạm thời do EU ban hành vào tháng 3/2022.

Theo EUAA, 5 quốc gia EU chính tiếp nhận đơn xin tị nạn là Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Áo và Italy.

Gần 1 triệu đơn xin tị nạn EU trong năm 2022, cao nhất trong 6 năm qua 1
Cảnh sát dỡ bỏ trại tị nạn của người di cư ở Grande-Synthe, gần cảng Dunkirk, miền bắc nước Pháp, một trong những điểm chính để khởi hành đi Anh, ngày 16/11/2021 - Ảnh: AFP

Dữ liệu trên của EUAA thu thập được từ 27 quốc gia thành viên cùng với Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ - 4 nước thành viên của khu vực tự do đi lại Schengen.

EUAA đánh giá, tình trạng xin tị nạn đang gây áp lực nghiêm trọng đối với các điểm tiếp nhận vốn đã quá tải ở nhiều quốc gia. Một số thành viên EU, trong đó có Italy, Ba Lan và Thụy Điển, đang có lập trường ngày càng cứng rắn nhằm ngăn chặn tình trạng di cư trái phép.

Tuy nhiên, mới đây, Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa thuận cho phép các quốc gia thành viên chia sẻ việc tiếp nhận số người xin tị nạn một cách công bằng hơn.

Bộ trưởng Nội vụ Thụy Điển Maria Stenergard, người chủ trì các cuộc đàm phán cho biết, nếu người nộp đơn không có cơ hội được tị nạn ở EU, sẽ bị trả về ngay lập tức và tất cả các đơn xin tị nạn đều được xử lý tối đa trong vòng 6 tháng.

Các quốc gia không sẵn sàng tiếp nhận những người xin tị nạn sẽ phải đóng một khoản hỗ trợ tài chính 20.000 Euro/người (21.571 USD/người) vào một quỹ do EU quản lý để hỗ trợ người di cư.

Tuy nhiên, vấn đề người xin tị nạn bị từ chối sẽ được gửi trả về đâu vẫn là vướng mắc lớn nhất trong các cuộc đàm phán.

EU từng chứng kiến số người di cư trái phép cao bất thường vào năm 2015 và 2016, khi có đến 2,5 triệu người xin tị nạn, trong đó đa số là người Syria chạy trốn xung đột trong nước. 

Bình luận