Với 232 phiếu chống và 198 phiếu thuận, Hạ viện Mỹ bác bỏ dự luật do Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đề xuất, theo đó cắt giảm chi tiêu và hạn chế người nhập cư nhằm gia hạn cấp ngân sách cho chính phủ thêm 30 ngày, giúp các cơ quan liên bang tránh được kịch bản phải đóng cửa khi bắt đầu tài khóa mới (từ ngày 1/10/2023 đến 30/9/2024).
Cơ hội dự luật về vấn đề này được Thượng viện thông qua cũng rất mong manh.
Động thái này khiến khả năng Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần, bắt đầu từ ngày 1/10, gần như chắc chắn sẽ xảy ra.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra chỉ 1 ngày trước hạn chót lưỡng viện Quốc hội Mỹ phải nhất trí được dự thảo ngân sách cho tài khóa 2024 vào 00h01 ngày 1/10 theo giờ địa phương khiến Chính phủ Mỹ tiến gần hơn tới khả năng phải đóng cửa, kéo theo nguy cơ hơn 4 triệu nhân viên liên bang không được trả lương và mọi hoạt động của chính phủ từ giám sát tài chính đến nghiên cứu khoa học bị cản trở.
Phát biểu với báo giới sau cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Hạ viện McCarthy khẳng định cuộc bỏ phiếu vẫn chưa kết thúc và ông vẫn còn những ý tưởng khác. Dự kiến, Hạ viện sẽ tiến hành thêm các cuộc bỏ phiếu trong ngày 30/9.
Thượng viện dự kiến chiều 30/9 sẽ bỏ phiếu dự luật do lưỡng đảng đề xuất, theo đó gia hạn chi tiêu cho chính phủ đến ngày 17/11, đồng thời tăng viện trợ cho Ukraine và chi tiêu cho việc khắc phục thảm họa tại Mỹ.
Nhiều quan chức Mỹ đã lên tiếng cảnh báo hậu quả của việc chính phủ phải đóng cửa.
Trong bài phát biểu ngày 29/9 tại bang Georgia, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng việc chính phủ phải đóng cửa có thể tác động đến tiến triển kinh tế của nước này do không còn các chương trình quan trọng dành cho doanh nghiệp nhỏ và trẻ em, cũng như kéo theo sự chậm trễ trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Lưỡng viện Quốc hội Mỹ chưa thể tìm được tiếng nói chung về biện pháp ngăn chính phủ đóng cửa, khi Hạ viện theo đuổi biện pháp cắt giảm chi tiêu, trong khi Thượng viện muốn gia hạn chi tiêu liên bang.
Thống kê cho thấy từ năm 1981 đến nay, Chính phủ Mỹ đã 14 lần phải đóng cửa, có lần chỉ kéo dài 1-2 ngày. Lần gần đây nhất và lâu nhất kéo dài 35 ngày dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump do bất đồng về vấn đề an ninh biên giới.