Đầu năm 2022, 13 triệu người ở vùng Sừng châu Phi đã bị ảnh hưởng bởi nạn đói. Còn vào đầu năm nay, 22 triệu người cũng đang có nguy cơ rơi vào tình trạng tương tự.
Theo báo cáo mới nhất của Chương trình Lương thực Thế giới công bố ngày 23/1, hơn 1,7 triệu người đã rời bỏ nhà cửa để tìm kiếm nước và thực phẩm.
Liên Hợp Quốc đang phải lên tiếng cảnh báo khi gần 5,6 triệu người ở Somalia, 12 triệu người ở Ethiopia và 4,3 triệu người ở Kenya đã ở trong tình trạng mất an ninh lương thực.
Những khu vực thường sống nhờ vào chăn nuôi và nông nghiệp đã bị mất mùa màng và vật nuôi.
Sự xâm lấn của châu chấu khiến mùa màng thất bát, các đàn gia súc thì rơi vào tình trạng thiếu nước và đồng cỏ.
Theo ước tính của Văn phòng Điều phối Nhân đạo Liên hợp quốc (Ocha), hơn 9,5 triệu con gia súc đã chết.
Bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, 8 trong số 13 mùa mưa ở vùng Sừng châu Phi đã ở dưới mức bình thường, theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Rủi ro Khí hậu.
Năm mùa mưa kém liên tiếp kể từ cuối năm 2020 đã gây ra hạn hán chưa từng thấy trong 40 năm qua ở khu vực này.
Hiện tại, nạn đói vẫn chưa được công bố chính thức vì chưa đạt đến ngưỡng cần thiết để công bố nhờ vào huy động tài chính vào cuối năm 2022.
Năm 2011, do 2 mùa mưa kém liên tiếp ở khu vực Somalia, nạn đói đã giết chết 260.000 người, một nửa trong số đó là trẻ em dưới 6 tuổi.
Cuộc khủng hoảng hiện này càng trở nên trầm trọng hơn do xung đột ở Ukraine khiến giá ngũ cốc và nhiên liệu tăng cao đã chiếm nhiều quỹ viện trợ nhân đạo.
Các tổ chức nhân đạo cảnh báo tình hình sẽ còn tồi tệ hơn trong những tháng tới, do mùa mưa thứ 6 từ tháng 3 đến tháng 5, cũng được công bố là dưới mức trung bình.
Somalia được coi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của nạn đói với hơn 7,85 triệu người bị ảnh hưởng bởi hạn hán.
Nếu không mở rộng quy mô hỗ trợ nhân đạo, “nạn đói dự kiến sẽ xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2023 ở miền nam Somalia, với những người dân làm nông nghiệp ở các quận Baidoa và Burhakaba, cũng như ở những người dân phải di dời ở thị trấn Baidoa và Mogadishu”, Văn phòng điều phối Nhân đạo của Liên hợp quốc tuyên bố hồi tháng 12.
Ocha cho biết số người đang ở giai đoạn chuẩn bị rơi vào nạn đói dự kiến sẽ tăng từ 214.000 lên 727.000 vào giữa năm 2023.
Theo UNICEF, gần 2 triệu trẻ em trên khắp vùng Sừng châu Phi "cần được điều trị khẩn cấp vì suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng và có thể gây tử vong".
Theo ước tính của UNICEF, 730 trẻ em đã chết từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2022 tại các trung tâm dinh dưỡng ở Somalia, một con số được coi là khá thấp.
Sống sót trong điều kiện thiếu nhân đạo, thiếu nước, sữa và thức ăn, những đứa trẻ dần kiệt sức. Cơ thể của chúng trở nên miễn dịch kém với các bệnh như sởi, dịch tả và sự phát triển của chúng cũng bị gián đoạn.
Ngoài ra, 2,7 triệu trẻ em đã phải nghỉ học và 4 triệu trẻ em khác có nguy cơ phải bỏ học để di dời theo gia đình hoặc hàng ngày được đưa đi tìm kiếm thức ăn và nước uống.
Giám đốc tổ chức phi chính phủ Save The Children của Ethiopia, Xavier Joubert lưu ý rằng “Nhu cầu đã trở nên rất lớn. Do đó, các quỹ bổ sung là rất cần thiết”.
Hiện chỉ 55,8% trong số 5,9 tỷ USD mà Liên Hợp Quốc yêu cầu để giảm bớt cuộc khủng hoảng này vào năm 2023 đã được tài trợ. Năm 2017, nhờ vào huy động nhân đạo sớm đã ngăn chặn được nạn đói ở Somalia.