Hàn Quốc: Hơn 1,5 triệu người có nguy cơ ‘chết trong cô đơn’

VOH - Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc vừa công bố kế hoạch khảo sát những người có nguy cơ chết một mình và tìm cách hỗ trợ, ngăn chặn sự gia tăng của ‘những cái chết cô đơn’.

 

 

Một cuộc khảo sát hàng năm sẽ được Hàn Quốc tiến hành để ghi lại số người có nguy cơ chết một mình và các dịch vụ liên quan đến sức khỏe, việc làm, chăm sóc y tế sẽ được cung cấp theo nhu cầu của họ tùy từng nhóm tuổi.

Bộ cho biết, số người có nguy cơ ‘chết trong cô đơn’ ở Hàn Quốc ước tính vào khoảng 1,525 triệu người.

Số người Hàn Quốc ‘chết trong cô đơn’ đã tăng 8,8% trong 5 năm qua, lên 3.378 người vào năm 2022.

hàn quốc
Hơn 1,5 triệu người có nguy cơ ‘chết trong cô đơn’

Xem thêm: Hàn Quốc: Nhiều trường đại học sẽ xét cả lịch sử ‘bạo lực học đường’ khi tuyển sinh

Theo kế hoạch, cuộc khảo sát về tình trạng của những người ‘chết trong cô đơn’ đã được tiến hành 5 năm một lần – giờ sẽ diễn ra hàng năm.

Các cơ sở công cộng như thư viện, trung tâm văn hóa sẽ đóng vai trò là nơi tư vấn, tổ chức các chương trình nghệ thuật, thể thao. Ngoài ra, 244 trung tâm gia đình và 475 trung tâm phúc lợi xã hội trên toàn quốc sẽ cung cấp các cuộc tụ họp xã hội cho các gia đình độc thân.

Điều này được đưa ra khi tỷ lệ hộ gia đình độc thân tăng từ 28,6% năm 2017 lên 33,4% năm 2021 và đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng mất kết nối xã hội, cuối cùng dẫn đến sự gia tăng số người chết trong tình trạng cô đơn - Bộ  Y tế và Phúc lợi cho biết.

Để ngăn chặn hiệu quả hơn những cái chết ‘đơn độc’ trong cộng đồng, Bộ sẽ đào tạo và huy động mọi người, chẳng hạn như các đại lý bất động sản, tiến hành kiểm tra thường xuyên.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng sẽ được sử dụng để giám sát các nhóm có nguy cơ cao. AI sẽ thu thập dữ liệu về mô hình sử dụng điện và nước hàng ngày của các nhóm có nguy cơ cao để theo dõi họ để tìm các dấu hiệu hành vi bất thường.

Các chương trình khác nhau sẽ được cung cấp nhắm mục tiêu cụ thể theo nhóm tuổi. Thanh niên sẽ được tư vấn điều trị, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ lập nghiệp. Các chương trình việc làm và quản lý bệnh mãn tính được nhắm mục tiêu đến những người trung niên. Các dịch vụ chăm sóc và y tế tại nhà sẽ được cung cấp cho người cao tuổi.

Đối với những người chết không có gia đình, người thân đến nhận, hoạt động mai táng sẽ được mở rộng bằng dịch vụ tang lễ công cộng…