Kể từ khi Quốc hội thông qua dự luật liên quan hôm 9/1, Liên đoàn thịt chó địa phương đã tỏ ra bất đồng với chính phủ về việc họ phải được bồi thường bao nhiêu.
Daehan Yukgyeon Hyeophoi (Liên đoàn thịt chó), một nhóm bao gồm những người chăn nuôi chó thịt và chủ nhà hàng thịt chó trên khắp đất nước đã đưa ra một loạt yêu cầu.
Nhóm này yêu cầu bồi thường tài chính 2 triệu won (1.500 USD) cho mỗi con chó, số tiền mà họ nói là lợi nhuận trị giá 5 năm từ một con chó; hoàn trả cho các thiết bị và cơ sở trang trại, đồng thời yêu cầu thời gian ân hạn 10 năm thay vì 3 năm như pháp luật quy định.
Kế hoạch bồi thường của chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa được hoàn thiện nhưng các quan chức nói với truyền thông địa phương rằng, 2 triệu won cho mỗi con chó là một số tiền quá cao. Theo các quan chức, chính phủ thường bảo đảm lợi nhuận trong 2 năm cho các trường hợp tương tự.
Bộ Nông nghiệp Thực phẩm và Nông thôn cho biết, dự luật mới được thông qua cấm chăn nuôi, giết mổ, phân phối và bán chó để lấy thịt có thời hạn ân hạn 3 năm, trong đó nông dân được yêu cầu bán số chó còn lại hoặc gửi chúng cho những người nhận nuôi.
Một trở ngại tiềm ẩn khác là những tuyên bố khác nhau của hai bên về quy mô của ngành. Một nghiên cứu của chính phủ năm 2022 cho thấy, có 1.150 trang trại trên khắp đất nước, nuôi khoảng 520.000 con chó để lấy thịt, nhưng Liên đoàn thịt chó tuyên bố rằng có 3.500 trang trại và 2 triệu con chó.
Chính phủ Hàn Quốc đang lên kế hoạch thành lập một ủy ban gồm các quan chức chính phủ, các nhóm bảo vệ động vật và người nuôi chó để giải quyết chi tiết về việc bồi thường.
Những người chăn nuôi thịt chó cảnh báo sẽ có hành động quyết liệt nếu yêu cầu của họ không được lắng nghe. Ju Yeong-bong, lãnh đạo Liên đoàn Thịt chó cho biết, nhóm cần khoản bồi thường thích đáng như một thông điệp "hãy tiếp tục và thả những con chó", đề cập đến lời đe dọa trước đó của họ về việc thả khoảng 2 triệu con chó khỏi trang trại.
Liên đoàn thịt chó vào tháng 11 đã đưa ra lời đe dọa tương tự, đồng thời cố gắng thả 100 con chó trước văn phòng tổng thống trong cuộc biểu tình ngày 30/11. Ba thành viên của nhóm đã bị bắt sau vụ xô xát với cảnh sát địa phương.
Một vấn đề cấp bách khác là sinh kế của khoảng 1.600 nhà hàng thịt chó, trong đó có nhiều chủ là người già.
Người đàn ông họ Lee, chủ một nhà hàng thịt chó ở chợ Sinjin ở Jongno-gu, trung tâm Seoul, phàn nàn về việc bị buộc thôi việc. “Tôi đã làm nghề này (bán thịt chó) cả đời rồi, ở tuổi này tôi biết làm gì bây giờ?”- ông Lee, người đã kinh doanh được 40 năm cho biết.
Ông phàn nàn, quyết định này là do những người có quyền lực đưa ra mà không tính đến những người như mình.
Hội đồng Thành phố Seoul hôm 11/1 cho biết, việc sửa đổi sắc lệnh dành cho các chủ doanh nghiệp nhỏ - được thông qua năm ngoái để hỗ trợ những người kinh doanh thịt chó chuyển đổi ngành nghề - sẽ có hiệu lực ngay lập tức.
Điều này bao gồm việc cung cấp hỗ trợ tài chính và tư vấn pháp lý cho người chăn nuôi thịt chó và chủ nhà hàng thịt chó.