Hàn Quốc yêu cầu giảm giờ bay để tránh nguy cơ ‘bức xạ vũ trụ’

VOH - Hàn Quốc sẽ đặt mức trần số lượng các chuyến bay quốc tế đối với các thành viên phi hành đoàn để giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm tia vũ trụ (hay còn gọi là bức xạ vũ trụ).

Cơ quan An toàn Hạt nhân Hàn Quốc cho biết, theo luật mới sửa đổi, các hãng hàng không nước này phải điều chỉnh lịch làm việc hoặc giảm số giờ bay cho mỗi nhân viên phục vụ trên các chuyến bay có nguy cơ phơi nhiễm hơn 6 mSv mỗi năm.

Hàn Quốc yêu cầu giảm giờ bay để tránh nguy cơ ‘bức xạ vũ trụ’ 1
Nhân viên một hãng hàng không tại sân bay - Ảnh: Yonhap

Luật yêu cầu các thành viên phi hành đoàn của các chuyến bay quốc tế được phổ biến định kỳ các kiến thức về tia vũ trụ và được khám sức khỏe.

Ủy ban An ninh và An toàn Hạt nhân Hàn Quốc cho biết các quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 11/6.

Những bên vi phạm có thể bị phạt tới 6 triệu won (4.638 USD).

 Những nhân viên phục vụ chuyến bay, đặc biệt là những chuyến bay dài trên các chặng quốc tế, thường phơi nhiễm với tia vũ trụ nhiều hơn và có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn so với những người khác.

Liều bức xạ thể hiện tổng mức năng lượng bức xạ được hấp thụ bởi tế bào sống và khả năng gây ảnh hưởng sinh học lên cơ quan cục bộ cũng như toàn cơ thể sống. Đơn vị của liều bức xạ là Sievert (Sv), được đo bằng liều kế. Tuy nhiên, do Sv là một đơn vị đo lường bức xạ tương đối lớn, nên milliSievert (mSv) được dùng thông dụng hơn.

Khuyến cáo của ICRP (Uỷ ban Quốc tế về An toàn bức xạ) đã chỉ ra rằng, mọi tiếp xúc với chất phóng xạ vượt quá ngưỡng giới hạn bình thường nên được giữ ở mức độ tối thiểu.

Hàng năm, khuyến cáo này được bổ sung bằng những chỉ số giới hạn liều được điều chỉnh định kỳ, nhằm giúp các công nhân làm việc trong điều kiện bức xạ nói riêng và toàn dân nói chung phòng tránh nguy cơ bị quá liều bức xạ.

Tại những nơi làm việc chuyên biệt như nhà máy điện hạt nhân, bệnh viện hay những nơi ứng dụng tia X để làm công tác nghiên cứu và sản xuất, người ta phải đeo một liều kế nhỏ để liên tục xác định mức phóng xạ trong môi trường.

Bình luận