Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

HĐBA LHQ từ chối yêu cầu của Mỹ về việc khôi phục lại các lệnh trừng phạt đối với Iran

(VOH) - Ngày 25/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức cuộc họp trực tuyến để thảo luận về tình hình Trung Đông.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân và Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya đã yêu cầu Chủ tịch luân phiên của HĐBA nêu rõ lập trường của họ về việc Mỹ yêu cầu LHQ khôi phục lại các lệnh trừng phạt đối với Iran.

HĐBA LHQ từ chối yêu cầu của Mỹ về việc khôi phục lại các lệnh trừng phạt đối với Iran
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Nguồn: Reuters)

Ông Dian Triansyah Djani, Đại sứ Indonesia tại LHQ và là Chủ tịch luân phiên của HĐBA, cho biết ông không đưa ra các biện pháp nhằm kích hoạt cơ chế tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran do có sự bất đồng quan điểm giữa các nước thành viên HĐBA.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft cho rằng Nga và Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc HĐBA không thể hoạt động bình thường, đồng thời lấy làm tiếc về việc các quốc gia thành viên khác “đứng chung hàng ngũ với chủ nghĩa khủng bố”.

Trước đó vào ngày 20/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tới trụ sở LHQ tại New York để gửi thư yêu cầu HĐBA kích hoạt cơ chế “tự động nối lại” (snapback) các biện pháp trừng phạt lên Iran với cáo buộc nước này vi phạm một số điều khoản của thỏa thuận hạt nhân JCPOA do Iran và Nhóm P5+1 ký kết năm 2015.

Hầu hết các nước thành viên HĐBA cho rằng Mỹ không có quyền pháp lý để kích hoạt cơ chế “snapback” vì đã rút khỏi thỏa thuận JCPOA.

“Snapback” là điều khoản được Mỹ “thòng” vào thỏa thuận JCPOA, quy định các thành viên trong nhóm P5+1 được quyền yêu cầu LHQ khôi phục các lệnh cấm vận đối với Iran nếu phát hiện nước này vi phạm thỏa thuận.

Sau khi nhận đề nghị chính thức của Mỹ, các nước thành viên còn lại trong HĐBA có 10 ngày để đưa ra quyết định có chấp thuận hay không.

Trong trường hợp các bên không nhất trí được, các lệnh trừng phạt Iran sẽ tự động được kích hoạt sau 30 ngày kể từ khi Mỹ chính thức đưa ra đề nghị.

Mỹ tiến hành bước đi trên sau khi HĐBA không thông qua nghị quyết kéo dài lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran trong cuộc họp vào giữa tháng 8 vừa qua.

Hành động này của Mỹ phát sinh từ nỗi thất vọng rằng các đồng minh thân cận nhất đều đã khước từ nỗ lực của Mỹ nhằm gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran sẽ hết hiệu lực vào tháng 10 tới. Chỉ duy nhất Cộng hòa Dominica bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của Mỹ gia hạn lệnh cấm vận vũ khí với Iran.

Ngoại trưởng Pompeo đã cáo buộc Iran kích động chủ nghĩa khủng bố, gây bất ổn ở Trung Đông và cố che giấu những chương trình hạt nhân và vũ khí của mình với các thanh sát viên quốc tế.

An Nhiên (Theo CCTV)

Bình luận