Hy Lạp có nguy cơ trở thành trại tị nạn khổng lồ

(VOH) – Động thái đóng cửa biên giới của các quốc gia phía Tây Balkan - đang có nguy cơ biến Hy Lạp trở thành một trại tị nạn khổng lồ.

Việc đóng cửa các tuyến đường khu vực phía tây Balkan đã được thông báo vào cuối Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp Liên minh châu Âu (EU)-Thổ Nhĩ Kỳ để chấm dứt tình trạng di cư bất thường vào châu Âu.

Theo đó, Macedonia từ chối nhập cảnh tất cả nhưng người Syria, Iraq và chỉ cho phép vài trăm người thông qua một ngày.

Nhưng ở phía bên kia biên giới Hy Lạp-Macedonia, trong tháng trước, người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục tràn đến với số lượng trung bình 1.800 người mỗi ngày.

Hơn 3.300 người khác đến Hy Lạp bằng đường biển vào ngày 9/3, theo các cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc.

Người di cư xếp hàng đợi thực phẩm gần ngôi làng Idomeni của Hy Lạp sau ngày Macedonia đóng cửa biên giới (Ảnh: Getty Images)

Với việc những người di cư bị từ chối hành trình đến châu Âu, các nhà quan sát cảnh báo rằng Hy Lạp có nguy cơ trở thành một trại tị nạn khổng lồ.

Nhân viên nhân đạo của cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc mô tả cảnh tuyệt vọng diễn ra ngày 10/3 tại Idomeni, một ngôi làng Hy Lạp dọc theo biên giới với Macedonia - nơi có đến 14.000 người di cư, khoảng 40% là trẻ em, đang bị mắc kẹt.

Họ cư trú trong các lều đông đúc, lầy lội do ảnh hưởng của những cơn mưa. Nhiều người đang bị các vấn đề về đường hô hấp.

George Kiritsis, phát ngôn viên của Cơ quan điều phối chính phủ Hy Lạp cho biết, thật khó để nuôi và chăm sóc người di cư về y tế, các quan chức đang tìm cách đóng trại do các điều kiện sinh hoạt không đảm bảo.

Các nhà chức trách Hy Lạp khuyến khích người di cư tự nguyện chuyển sang phía nam của đất nước, nơi có cơ sở vật chất tốt hơn.

Phía Tây Balkan là con đường đường bộ từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Hy Lạp được hàng trăm ngàn người di cư lựa chọn để đến Đức và Thụy Điển.

Cùng với Macedonia, các nước khác như Slovenia, Croatia và Serbia đều đóng cửa biên giới từ nửa đêm 9/3.

Thủ tướng Đức Angela Merkel chỉ trích động thái này là một hành động đơn phương gây áp lực không đáng có đối với Hy Lạp, nơi có tổng số 42.000 người di cư đang bị mắc kẹt.