Các nhóm bảo vệ quyền động vật và các nhà bảo vệ môi trường ca ngợi quyết định này. Tổ chức Nhân đạo Quốc tế gọi đó là "một cột mốc quan trọng trong việc bảo tồn cá voi".
Bộ trưởng Lương thực Svandis Svavarsdottir cho biết trong một tuyên bố rằng: “Tôi đã đưa ra quyết định đình chỉ hoạt động săn bắt cá voi cho đến ngày 31/8”, sau khi có một báo cáo kết luận việc săn bắt không tuân thủ Đạo luật phúc lợi động vật của Iceland.
Một báo cáo giám sát gần đây của Cơ quan Thực phẩm và Thú y Iceland về hoạt động săn bắt cá voi vây cho thấy, việc giết hại loài vật này mất quá nhiều thời gian.
Đoạn video gây sốc được cơ quan thú y phát sóng gần đây cho thấy, sự hấp hối của một con cá voi khi nó bị săn đuổi suốt 5 tiếng đồng hồ.
"Nếu chính phủ và những người được cấp phép săn bắt không thể đảm bảo các yêu cầu phúc lợi, hoạt động này sẽ không có tương lai" - Bộ trưởng nói.
Quốc gia này chỉ còn một công ty săn cá voi là Hvalur và giấy phép săn cá voi vây của công ty sẽ hết hạn vào năm 2023. Một công ty khác đã ngừng hoạt động vào năm 2020 do không có lãi nữa.
Mùa săn bắt cá voi của Iceland diễn ra từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 9.
Hạn ngạch hàng năm cho phép giết 209 con cá voi vây - loài động vật có vú sống ở biển dài thứ hai sau cá voi xanh - và 217 con cá voi minke, một trong những loài nhỏ nhất. Nhưng sản lượng khai thác đã giảm mạnh trong những năm gần đây do thị trường thịt cá voi đang suy giảm.
Sự phản đối việc săn bắt cá voi đang gia tăng ở Iceland với đa số ủng hộ việc bỏ hoạt động này.
Một cuộc khảo sát được công bố vào đầu tháng 6 chỉ ra rằng 51% người Iceland phản đối việc đi săn và 29% ủng hộ, trong đó những người trên 60 tuổi ủng hộ nhiều nhất.
Iceland phụ thuộc rất nhiều vào đánh bắt cá voi trong nhiều thế kỷ. Trong hai thập kỷ qua, ngành du lịch cá voi, bao gồm cả các chuyến du lịch ngắm cá voi nở rộ - và hai lĩnh vực then chốt này của nền kinh tế đang mang lại những lợi ích khác nhau.
Iceland, Na Uy và Nhật Bản là những quốc gia duy nhất trên thế giới tiếp tục săn bắt cá voi trước sự chỉ trích gay gắt từ các nhà bảo vệ môi trường và bảo vệ quyền động vật. "Không có cách nào nhân đạo để giết một con cá voi trên biển, vì vậy chúng tôi kêu gọi bộ trưởng đưa ra lệnh cấm vĩnh viễn này", Giám đốc Ruud Tombrock của Tổ chức Nhân đạo Quốc tế cho biết trong một tuyên bố. Cá voi đã phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa nghiêm trọng trong đại dương từ ô nhiễm, biến đổi khí hậu, vướng vào lưới cá và va chạm tàu thuyền, nên việc chấm dứt săn bắt cá voi thương mại tàn ác là kết luận duy nhất về mặt đạo đức. Nhật Bản, cho đến nay là thị trường tiêu thụ thịt cá voi lớn nhất, đã nối lại hoạt động đánh bắt cá voi thương mại vào năm 2019 sau ba thập kỷ gián đoạn, giúp giảm đáng kể nhu cầu nhập khẩu từ Iceland. |