Cụ thể, sau khi thặng dư 6,5 tỷ USD trong quý 1, đến quý 2, Indonesia chứng kiến thâm hụt 7,4 tỷ USD. Lý do là chính phủ phải chi nhiều tiền hơn để mua hàng hóa với giá cao, cũng như bỏ ra nhiều hơn để đầu tư một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.
Theo Ngân hàng Trung ương Indonesia, sự bất ổn của thị trường toàn cầu đã ảnh hưởng đến cán cân thanh toán, cũng như dự trữ ngoại hối của đất nước.
Thời gian gần đây, cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất, cộng với kinh tế Trung Quốc – đối tác thương mại lớn của Indonesia, vẫn ảm đạm. Tất cả đang gây áp lực lên đồng Rupiah, vốn đã sụt giảm giá trị so với USD trong những tuần vừa qua.
Thâm hụt ngân sách của Indonesia trong quý 2 tương đương 0,5% GDP. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Perry Warjiyo nói rằng, tình hình ngân sách năm 2023 sẽ dao động từ âm 0,4% đến dương 0,4%. Năm 2024, nếu kinh tế vẫn khó khăn, ngân sách có thể âm từ 0,5% đến 1,3%.
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á chứng kiến sự bùng nổ xuất khẩu vào năm 2021 và 2022, do giá cả toàn cầu cao. Nhưng năm nay, các mặt hàng chủ lực của Indonesia đều chứng kiến giá đi xuống, như than đá và dầu cọ.
Ông Satria Sambijantoro, chuyên gia kinh tế tại Bahana Securities cho biết, đồng Rupiah có khả năng mất giá hơn nữa, nếu thặng dư thương mại tiếp tục bị thu hẹp, và các dòng vốn chảy ra bên ngoài do chênh lệch lãi suất.