Thủ đô Jakarta đang đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu trong nhiều ngày do chính quyền không giải quyết được tình trạng khói bụi độc hại gia tăng.
Thủ đô của Indonesia và các khu vực xung quanh tạo thành một siêu đô thị với khoảng 30 triệu người, vượt xa các thành phố ô nhiễm nặng khác bao gồm Riyadh, Doha và Lahore cả tuần vì nồng độ bụi mịn được gọi là PM2.5 – theo bảng xếp hạng dữ liệu ô nhiễm của công ty IQAir (Thụy Sĩ).
Jakarta thường xuyên ghi nhận mức độ PM2.5 "không tốt cho sức khỏe", có thể xâm nhập vào đường thở gây ra các vấn đề về hô hấp, gấp nhiều lần mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.
Tổng thống Joko Widodo có kế hoạch giải quyết ô nhiễm bằng cách giảm "gánh nặng cho Jakarta" khi nước này chuẩn bị chuyển thủ đô đến Nusantara trên đảo Borneo vào năm tới.
Ông cũng cho biết, một mạng lưới tàu điện ngầm sẽ được xây dựng trên khắp Jakarta để giảm ô nhiễm.
Người dân phàn nàn rằng, tình trạng ô nhiễm do khói công nghiệp, tắc nghẽn giao thông và các nhà máy chạy bằng than đang ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của họ.
Vào năm 2021, một tòa án đã ra phán quyết ủng hộ đơn kiện của các nhà hoạt động và công dân chống lại chính phủ, yêu cầu Tổng thống Widodo làm sạch không khí tại thành phố. Đồng thời, phán quyết rằng ông và các quan chức cấp cao khác đã cẩu thả trong việc bảo vệ cư dân.
Indonesia cam kết ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới từ năm 2023 và trung hòa carbon vào năm 2050.
Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối kịch liệt từ các nhà hoạt động, chính phủ đang mở rộng nhà máy than Suralaya khổng lồ trên đảo Java, một trong những nhà máy lớn nhất ở Đông Nam Á.
Theo Greenpeace Indonesia, 10 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động trong bán kính 100 km của thủ đô.