Một phần năm lượng nước ô nhiễm trên thế giới từ ngành nhuộm vải

VOH - Hàng năm, ngành dệt sử dụng khoảng 1,3 nghìn tỷ gallon nước để nhuộm quần áo – đủ để lấp đầy 2 triệu bể bơi Olympic.

Hầu hết lượng nước này, chứa đầy hóa chất và thuốc nhuộm độc hại, chảy ra sông suối chưa qua xử lý.

Đó là lý do tại sao các nhà nghiên cứu tại Đại học Khalifa ở Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) tạo ra một vật liệu nano mới có thể làm sạch các loại thuốc nhuộm này và các chất ô nhiễm khác khỏi nước thải công nghiệp.

nhuộm vải
Một công nhân thu gom vải nhuộm sau khi phơi khô tại một nhà máy nhuộm ở Bangladesh - Ảnh: Getty Images

Enas Nashef, trưởng dự án và là giáo sư kỹ thuật hóa học tại Đại học Khalifa cho biết, vật liệu này gồm các hạt nhỏ giống như cát, có thể thu thập các chất ô nhiễm trên bề mặt.

Vật liệu nano bao gồm một chất gọi là polyme bắt chước “keo” mà loài trai dùng để dính vào đá, kết hợp với một dung môi. 

Nashef cho biết, việc tìm kiếm dung môi phù hợp là một thách thức vì hầu hết các dung môi đều độc hại, nhưng nhóm đã xác định được một dung môi vừa hiệu quả vừa thân thiện với môi trường.

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm vật liệu nano này trên thuốc nhuộm màu đỏ cam có tên là Alizarin Red S và đã công bố phát hiện của họ vào đầu năm nay.

Nashef cho biết: “Cho đến nay, không có tác dụng độc hại nào”, đồng thời cho biết thêm rằng polyme có thể được làm sạch khỏi các chất ô nhiễm và sau đó được tái sử dụng.

Ngành dệt may chiếm tới 20% lượng nước thải công nghiệp trên toàn cầu – đây là một trong những lý do mà Nashef và nhóm của ông quyết định tập trung nỗ lực vào thuốc nhuộm.

Nhóm nghiên cứu nhắm đến “thuốc nhuộm anion” vì không có nhiều phương pháp hiệu quả để loại bỏ các loại thuốc nhuộm này khỏi nước. Nashef hy vọng, vật liệu hiệu quả cao của mình có thể giải quyết vấn đề nước thải  của ngành.

nước thải dệt nhuộm
Nước thải được thải ra từ các nhà máy dệt nhuộm ở Ấn Độ - Ảnh: Getty

Liên Hợp Quốc ước tính rằng, trên toàn cầu, gần 95 nghìn tỷ gallon nước thải được thải ra hàng năm – tương đương với 41 năm nước uống cho toàn bộ dân số loài người.

Một báo cáo mang tính bước ngoặt do Ủy ban Toàn cầu về Kinh tế Nước (GCEW) công bố vào tháng trước cho thấy, chỉ 20% lượng nước thải hiện được xử lý, trong khi lượng nước thải được tái chế ít hơn rất nhiều. Điều này góp phần gây ra tình trạng thiếu nước sạch trên toàn cầu. 

Báo cáo dự đoán rằng, nhu cầu về nước ngọt sẽ vượt xa nguồn cung 40% vào năm 2030.

Bình luận