Kinh tế Mỹ và Trung Quốc khó tách rời khỏi nhau như thế nào?

VOH - Trong nửa đầu năm 2023, kim ngạch thương mại Mỹ - Trung đi xuống. Hiện Washington đang thúc đẩy quá trình giảm phụ thuộc Bắc Kinh. Nhưng điều này liệu có dễ dàng?

Khi nói đến lập bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu, rất ít công ty làm tốt hơn Foxconn – nhà gia công và cung cấp linh kiện điện tử lớn nhất thế giới.

Năm 2023, tập đoàn khổng lồ của Đài Loan này đã xây thêm hoặc mở rộng nhà máy ở Ấn Độ, Mexico, Thái Lan và Việt Nam. Trung Quốc không còn nằm trong danh sách ưu tiên. Mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Washington và Bắc Kinh, khiến các doanh nghiệp lo ngại về rủi ro địa chính trị. Kết quả trong nửa đầu năm 2023, buôn bán giữa Mỹ với 2 nước láng giềng là Mexico và Canada lần đầu tiên trong gần 2 thập kỷ đã vượt qua buôn bán với Trung Quốc. Bản đồ về thương mại toàn cầu, đang dần được vẽ lại. Nhưng quá trình tách rời này được cho không hề dễ dàng như nhìn từ bên ngoài.

Kinh tế Mỹ - Trung được cho khó tách rời khỏi nhau dẫu có chiến tranh thương mại - Ảnh: The Economic Times
Kinh tế Mỹ - Trung được cho khó tách rời khỏi nhau dẫu có chiến tranh thương mại - Ảnh: The Economic Times

1/ Những con đường hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ

Giảm phụ thuộc Trung Quốc là điều các Chính phủ Mỹ từ thời Tổng thống Donald Trump đến Joe Biden đều theo đuổi.

Thuế quan áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc, các quy tắc mới và trợ cấp cho ngành công nghiệp trong nước, đều phục vụ mục tiêu trên.

Một sắc lệnh hạn chế đầu tư từ Mỹ sang Trung Quốc liên quan đến những lĩnh vực nhạy cảm, báo chí Mỹ đưa tin sẽ sớm ra mắt.

Mục tiêu của sắc lệnh là ngăn chặn vốn và công nghệ của Mỹ chuyển sang Trung Quốc, giúp thúc đẩy sự phát triển những ngành hỗ trợ cho quân đội Trung Quốc và gây đe dọa an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Đối tượng dự kiến ​​nhắm vào những công ty cổ phần tư nhân, công ty đầu tư mạo hiểm và liên doanh của Hoa Kỳ tại Trung Quốc, về trí tuệ nhân tạo, chip – chất bán dẫn, hay vật lý lượng tử. Hầu hết các khoản đầu tư nằm trong danh sách sẽ bị giữ lại để xem xét. Một số giao dịch có thể sẽ bị hủy.

Các quy định dự kiến sẽ không có hiệu lực ngay lập tức. Chính quyền muốn nghe góp ý từ những bên liên quan. Nhà Trắng đã tiến hành họp để tham khảo ý kiến đồng minh.

Chủ đề này cũng đã được đưa ra vào tháng trước, trong các cuộc gặp của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen với quan chức Trung Quốc ở Bắc Kinh.

Bà Yellen nói rằng, lệnh hạn chế được định hướng rõ ràng trong phạm vi hẹp ở những lĩnh vực có sự lo ngại về an ninh quốc gia. Lệnh sẽ được ban hành một cách minh bạch, thông qua quy trình xây dựng quy tắc, cho phép công chúng đóng góp ý kiến.

Khi được hỏi về vấn đề trên, ông Liu Pengyu, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nói, Hoa Kỳ thường xuyên chính trị hóa các vấn đề công nghệ và thương mại. Sử dụng chúng như công cụ và vũ khí nhân danh an ninh quốc gia. Ông cho biết Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ, kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích.

Bà Laura Black, cựu giám đốc chính sách của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS), cho biết lệnh này ​​sẽ cấm một số khoản đầu tư quan trọng.

Bà Emily Kilcrease, một cựu quan chức Hoa Kỳ từng làm việc về chính sách với Trung Quốc nói rằng, Nhà Trắng đang xác định những gì được coi là trí tuệ nhân tạo, nhằm kiểm soát các khoản đầu tư ra nước ngoài của người dân và doanh nghiệp.

Bà mô tả sắc lệnh này là một bước quan trọng trong việc thiết lập hệ thống giám sát để sàng lọc những giao dịch ra bên ngoài. Tất nhiên, Hoa Kỳ cần chuẩn bị cho sự trả đũa của Trung Quốc.

Thượng nghị sỹ Bob Casey người ủng hộ dự luật mạnh mẽ nói: “Từ lâu tôi đã thúc giục Chính quyền Tổng thống Biden hành động để sàng lọc các khoản đầu tư vào Trung Quốc, không để chúng ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.”

Mặc dù lý do được công bố của sắc lệnh này nhằm ngăn chặn quân đội Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên 1 số ý kiến cho rằng, nó còn ngăn Trung Quốc phát động chiến dịch thu hồi Đài Loan trong tương lai, hoặc ít ra là kéo dài thời gian.

Xung đột tiềm tàng ở eo biển Đài Loan sẽ là cơn ác mộng cho tất cả. Do vậy, Hoa Kỳ đang gấp rút giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Nỗ lực giảm phụ thuộc này là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng hiện nay.

Tuy vậy, bất chấp các cố gắng nhằm định hình lại bản đồ thương mại, kết quả không như những gì dự đoán.

Thay vì cắt giảm, liên kết thương mại Mỹ - Trung lại chặt hơn và ở dạng phức tạp hơn.

Nhằm bớt phụ thuộc Trung Quốc, Mỹ thúc đẩy liên kết với các bạn hàng khác như Mexico, Canada, Ấn Độ, Đài Loan và Việt Nam. Thương mại giữa Hoa Kỳ và những đối tác này tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Tuy vậy có 1 điều cần lưu ý, thời gian qua khoảng 51% hàng Mỹ nhập khẩu từ các quốc gia thân thiện ở châu Á là có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngoài ra, thương mại giữa đồng minh của Mỹ với Trung Quốc cũng đang tăng. Thực tế, nhiều hàng hóa Mỹ và đồng minh trao đổi, vẫn là sản phẩm của Trung Quốc. Điều này nói lên rằng, Mỹ đang giảm mua hàng trực tiếp từ Trung Quốc, nhưng tăng mua gián tiếp và 2 nền kinh tế vẫn phụ thuộc chặt chẽ.

Không khó để nhận thấy, nhiều quốc gia trung gian đang hưởng lợi từ quá trình trên. Theo các nhà nghiên cứu ở đại học California, những quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc trong từng ngành nhất định, được hưởng lợi nhiều nhất.

Điều này phản ánh, chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, vẫn không thể thiếu với kinh tế Mỹ, thậm chí cả những mặt hàng xứ cờ hoa đang muốn ngưng nhập từ Trung Quốc mạnh mẽ nhất, ví dụ chip và chất bán dẫn. Các sản phẩm này, từ năm 2017 đến 2022, Mỹ đã giảm nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 17%. Tuy nhiên lại tăng nhập từ Đài Loan, Hàn Quốc và Việt Nam – các khu vực cần rất nhiều linh kiện và nguyên vật liệu từ Trung Quốc để sản xuất. Chung quy, chuỗi cung ứng từ Trung Quốc vẫn rất quan trọng với kinh tế Mỹ, từ hàng hóa thông thường đến công nghệ cao.

Một lĩnh vực đang rất nhạy cảm và cạnh tranh gay gắt, là đất hiếm. Trung Quốc thống trị nhiều khoáng chất để sản xuất chip và pin xe điện. Phương Tây đang cố gắng đa dạng hóa nguồn cung, nhưng không ít sản phẩm mua từ nước thứ 3, chỉ đơn giản là hàng Trung Quốc được đóng gói lại.

Những hàng hóa khác như linh kiện điện tử, giá sản xuất ở Mỹ đang cao hơn so với sản xuất ở Trung Quốc. Do đó, giới doanh nghiệp Mỹ ưu tiên nhập khẩu từ Trung Quốc, hơn là tự sản xuất hoặc nhập từ đồng minh với chi phí lớn.

2/ Đồng minh của Mỹ và Trung Quốc gia tăng gắn kết

Trong quá trình giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, một viễn cảnh mà Hoa Kỳ không mong muốn đang xảy ra. Đó là các đồng minh và đối tác thân thiện lại có xu hướng phụ thuộc đất nước tỷ dân nhiều hơn. Như Đông Nam Á hiện là đối tác thương mại lớn bậc nhất của Trung Quốc. Riêng thiết bị điện tử, trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của Trung Quốc tới ASEAN là 49 tỷ USD, tăng 80% so với 5 năm trước. Linh kiện điện tử Trung Quốc đóng vai trò quan trọng với kinh tế một số quốc gia như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Campuchia và Việt Nam.

Nhiều nhà máy lắp ráp tại Malaysia phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc để tạo ra thành phẩm, rồi xuất đi khắp nơi, trong đó có Hoa Kỳ.

Những nơi xa hơn, như Mexico, trong các chuỗi cung ứng cũng in đậm bóng hình của linh kiện Trung Quốc. Theo hiệp hội các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Mexico, năm 2022, khoảng 40% đầu tư trong lĩnh vực này đến từ Trung Quốc. Kéo theo đó là 1 nguồn cung cấp hàng hóa phong phú. Năm 2022, mỗi tháng Trung Quốc xuất khẩu khoảng 300 triệu USD linh kiện ô tô sang Mexico, nhiều gấp đôi so với 5 năm trước.

Ở Trung và Đông Âu, nơi ngành công nghiệp ô tô bùng nổ trong những năm gần đây, bức tranh thậm chí còn dễ thấy hơn. Năm 2018, Trung Quốc chỉ cung cấp 3% linh kiện ô tô cho Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Slovenia và Romania. Hiện nay con số là 10%, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào bên ngoài EU. Không những vậy, xe điện nguyên chiếc từ Trung Quốc xuất vào châu Âu cũng không ngừng gia tăng.

Theo 1 số chuyên gia, liên kết thương mại ngày càng chặt chẽ giữa đồng minh của mình và Trung Quốc, là điều Washington không mong muốn.

Trước việc căng thẳng địa chính trị lên cao, nhiều công ty theo đuổi chính sách “Trung Quốc + 1”, nghĩa là sản xuất linh kiện tại Trung Quốc và 1 quốc gia khác thân thiện với Mỹ hơn. Tuy nhiên quá trình này cũng không đơn giản. Ví dụ Apple, công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới, đã liệt kê 25 nhà sản xuất tại Việt Nam vào danh sách đối tác cung cấp chính thức. Trong số 25 công ty này, 9 là đến từ Trung Quốc.

Vậy vấn đề trên sẽ ảnh hưởng thế nào tới các nhà hoạch định chính sách của Mỹ?

Trong trường hợp xấu nhất, mâu thuẫn khiến nguồn cung hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc gần như bị cắt đứt hoàn toàn. Khi đó, hàng hóa lưu thông qua lại, có thể vẫn đáp ứng được phần nào nhờ giao dịch gián tiếp, hoặc qua các công ty Trung Quốc và Mỹ ở nước thứ 3. Khi đó, những quốc gia thương mại trung gian bị thiệt hại nặng nề. Vấn đề càng khó khăn hơn nếu bị buộc phải chọn phe. Đông Nam Á được dự báo chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất.

Trong bối cảnh các quốc gia đều muốn có đầu tư và gia tăng buốn bán, để tạo việc làm và khôi phục kinh tế, Mỹ đã không thể thuyết phục đồng minh giảm bớt quan hệ với Trung Quốc. Một số nước chọn chính sách chơi với cả 2, nhận đầu tư và hàng hóa từ Trung Quốc, sau đó xuất khẩu thành phẩm sang Mỹ. Do đó, quá trình tách rời giữa Trung Quốc và Mỹ, lại là quá trình gắn kết hơn giữa Trung Quốc với các đồng minh của Mỹ. Có lẽ đây là điều Nhà Trắng không mong đợi.

Mỹ và Trung Quốc là 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay. Do đó, bất kỳ sự va chạm nào cũng ảnh hưởng tới phần còn lại. Đó là lý do theo các chuyên gia, 2 bên cần kiểm soát các mâu thuẫn một cách có trách nhiệm, kiên trì đàm phán và không để vấn đề vượt khỏi tầm giải quyết.

Bình luận