Chờ...

Indonesia phát hiện rừng cây long não khổng lồ, một loài thực vật gần như đã tuyệt chủng

(VOH) - Được các chuyên gia nhận định là “dễ bị nguy hại”, những cây long não này đã được liệt kê vào danh sách đỏ về các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Một khu rừng long não quý hiếm rộng 600 ha với nhiều cây từ 200 đến 300 năm tuổi, vừa được các nhà nghiên cứu phát hiện trên đảo Sumatra, Indonesia, theo báo cáo của phương tiện truyền thông địa phương Kompas được Courrier International đăng lại.

Indonesia phát hiện rừng cây long não khổng lồ, một loài thực vật gần như đã tuyệt chủng 1
Cây long não. (Ảnh minh họa: Hans/Pixabay)

Đây là phát hiện rất thú vị với các nhà khoa học và thậm chí cả các nhà sử học. “Việc phát hiện ra khu rừng này là một kho báu cho di sản thế giới. Nó giống như khám phá ra tàn tích của một nền văn minh cổ đại nhưng vẫn còn sống”, Ichwan Azhari, nhà sử học người Indonesia nói với báo Kompas.

Dryobalanops aromatica là một loài cây long não rất hiếm mà các nhà nghiên cứu cho rằng chúng đã tuyệt chủng trong tự nhiên. Họ thậm chí đã có thể bỏ dở nghiên cứu của mình trước khi có phát hiện đặc biệt về loài cây này. Đây cũng là loại cây đã tạo ra long não Barus, một chất thơm quý giá được biết đến từ thời cổ đại với đặc tính khử trùng của nó.

Nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Medan, Indonesia đã định hướng vị trí thực hiện các nghiên cứu từ năm 2016 tại ngôi làng Siordang, có biệt danh là “nơi ẩn náu cuối cùng của những cây long não”. Theo đó, nơi đây có thể vẫn còn nguyên 20 cây Dryobalanops aromatica được trồng bởi người dân địa phương.

Loài cây này được liệt kê là dễ bị nguy hại trong Danh sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) về các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Vì vậy, việc phát hiện ra khu rừng rộng 600 ha này đã mở ra nhiều triển vọng mới. Theo Kompas, nơi đây dự kiến sẽ trở thành “trung tâm nghiên cứu về long não cũng như khảo cổ thực vật và khu du lịch thân thiện với môi trường”.