Indonesia: Số người thiệt mạng sau vụ núi lửa Marapi phun trào bất ngờ - tăng lên 23

VOH - Lực lượng cứu hộ tại Indonesia đã tìm thấy thêm nhiều thi thể những người leo núi bị mắc kẹt trong vụ phun trào núi lửa bất ngờ hai ngày trước, nâng số người thiệt mạng lên 23 - theo AP.

Hơn 50 nhà leo núi đã được giải cứu sau đợt phun trào đầu tiên của núi lửa Marapi vào 3/12. Một vụ phun trào khác hôm 4/12 đã phun ra một đợt tro nóng mới cao tới 800 mét khiến hoạt động cứu hộ phải tạm thời dừng lại.

Edi Mardianto, Phó cảnh sát trưởng tỉnh Tây Sumatra cho biết, các thi thể mới nhất được tìm thấy không quá xa địa điểm phun trào, ước tính chỉ cách đó vài mét. Thi thể của 5 nhà leo núi đã được tìm thấy và 18 người được cho là đã chết vì ở quá gần nơi phun trào khí nóng và tro bụi.

núi lửa
Lực lượng cứu hộ khiêng một nhà leo núi bị thương trong vụ phun trào của Núi Marapi ở Agam, Tây Sumatra, Indonesia, ngày 4/12 - Ảnh: AP

Lực lượng cứu hộ đang phải đối mặt với những hạn chế về thời tiết và địa hình xấu, vì gió thổi mang theo sức nóng từ các vụ phun trào.

Một đoạn video do Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Tây Sumatra công bố cho thấy, lực lượng cứu hộ khiêng một người leo núi bị thương trên cáng ra khỏi núi và đưa vào xe cấp cứu để đến bệnh viện.

Theo Trung tâm Giảm nhẹ thiên tai địa chất và núi lửa của Indonesia, Marapi vẫn ở mức cao thứ ba trong bốn mức cảnh báo phun trào kể từ năm 2011, mức cho thấy hoạt động núi lửa trên mức bình thường, cấm người leo núi và dân làng trong phạm vi 3 km tính từ đỉnh núi.

Những người leo núi chỉ được phép ở dưới vùng nguy hiểm và họ phải đăng ký tại hai trạm chỉ huy hoặc đăng ký trực tuyến. Tuy nhiên, các quan chức địa phương thừa nhận, nhiều người có thể đã leo cao hơn mức cho phép và người dân cũng có thể đã ở trong khu vực này, khiến số người mắc kẹt do vụ phun trào chưa thể xác định.

núi lửa Marapi
Có khoảng 1.400 người sống trên sườn núi Marapi ở Rubai và Gobah Cumantiang, những ngôi làng gần nhất cách đỉnh núi khoảng 5 đến 6 km - Ảnh: AP

Marapi đã phun ra những cột tro dày cao tới 3.000 mét trong vụ phun trào hôm Chủ nhật và những đám mây tro nóng lan rộng vài km. Các ngôi làng và thị trấn gần đó bị bao phủ bởi hàng tấn mảnh bụi núi lửa chặn ánh sáng mặt trời và chính quyền khuyến nghị người dân đeo khẩu trang và kính mắt để bảo vệ khỏi tro bụi.

Marapi được biết đến là nơi có những vụ phun trào đột ngột khó phát hiện vì nguồn phun trào nông và gần đỉnh, đồng thời các vụ phun trào không phải do magma chuyển động sâu – để có thể phát hiện bằng máy theo dõi địa chấn.

Marapi đã hoạt động kể từ vụ phun trào hồi tháng 1 và không gây thương vong. Đây là một trong số hơn 120 ngọn núi lửa đang hoạt động ở Indonesia - quốc gia vốn dễ bị biến động địa chấn do nằm trên “Vành đai lửa” Thái Bình Dương, một vòng cung núi lửa và các đường đứt gãy bao quanh lưu vực Thái Bình Dương.

Bình luận