Chờ...

Interpol phá hàng trăm vụ buôn bán trái phép động vật hoang dã

(VOH) - Theo một báo cáo sơ bộ, chiến dịch "Thunder 2022" đã thực hiện gần 2.200 vụ bắt giữ và xác định được 934 nghi phạm.

Interpol hôm thứ Ba công bố một chiến dịch quốc tế lớn chống buôn bán trái phép động vật hoang dã và gỗ đã dẫn đến hàng trăm vụ bắt giữ, đồng thời triệt phá được các mạng lưới tội phạm và thu giữ số lượng lớn động vật, thực vật và gỗ.

Chiến dịch với tên gọi "Thunder 2022", một hoạt động được phối hợp giữa Interpol và Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) diễn ra từ ngày 3-30/10 đã huy động cảnh sát, hải quan và các cơ quan tình báo từ 125 quốc gia, trong đó số lượng lớn các quốc gia đã tham gia vào các hoạt động này được thực hiện từ năm 2017.

Thông qua các cuộc kiểm tra định kỳ và kiểm tra có mục tiêu, hàng trăm kiện hàng, vali, xe cộ hoặc tàu thuyền đã được kiểm tra bằng cách sử dụng chó nghiệp vụ và máy quét tia X, trong khuôn khổ của kế hoạch nhằm thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES).

Interpol phá hàng trăm vụ buôn bán trái phép động vật hoang dã 1
Ảnh minh họa

Theo một báo cáo sơ bộ, "Thunder 2022" đã thực hiện gần 2.200 vụ bắt giữ, xác định được 934 nghi phạm và 141 công ty bị nghi ngờ tham gia mua bán bất hợp pháp.

Trong số các vụ bắt giữ, Interpol đã ghi nhận 119 con mèo, 34 loài linh trưởng, 136 bộ phận cơ thể của loài linh trưởng, 25 sừng tê giác, 9 con tê tê, 389kg vảy và các sản phẩm từ tê tê, 750 con chim và hơn 450 bộ phận của loài chim.

Báo cáo cũng đề cập đến các vụ bắt giữ với gần 780kg và 516 chiếc ngà voi, 1.795 loài bò sát và gần nửa tấn các bộ phận và sản phẩm làm từ các loài bò sát, 4.337 loài sinh vật biển và 2.813kg hải sản như san hô, lươn, hải sâm… cùng 1.190 loài rùa.

Interpol cũng báo cáo việc tịch thu gỗ trắc, xương rồng, phong lan và vài tấn thực vật khác.

Các hoạt động bắt giữ đã diễn ra ở Malawi, Namibia và Angola.

Ở châu Á, Thái Lan cũng đã báo cáo thu giữ nhiều chuyến hàng buôn lậu rùa từ Đông Phi và hàng trăm loài bò sát sống từ châu Âu, trong khi ở Indonesia có 2 vụ tịch thu gỗ với số lượng lớn được vận chuyển đến Trung Đông và châu Á.

Còn tại Ấn Độ, khoảng 1.200 loài bò sát như kỳ nhông, trăn, kỳ đà, rùa được khai báo là "đồ trang trí" và đóng gói trong các hộp cũng đã bị thu giữ.

Châu Âu là một điểm đến ngày càng quan trọng trong hoạt động buôn lậu các loài động vật hoang dã được bảo vệ. Tại Pháp đã ngăn chặn được việc vận chuyển các loài bò sát Trung Phi được giấu trong hành lý và các hoạt động tại Anh thu giữ được một số mẩu ngà voi.

Ngoài ra còn có vẹt, trứng kỳ nhông, san hô, các sản phẩm từ da cá sấu, trứng cá muối và thịt cá mập cũng bị thu giữ tại một số sân bay quốc tế ở Mỹ.