Cùng với đó, quốc gia này cũng cho biết có gần 80.000 người đang điều trị COVID-19 trong bệnh viện có dấu hiệu hồi phục tốt và một số đã được xuất viện.
Người phát ngôn Bộ Y tế Kianoush Jahanpour cho biết 74 trường hợp tử vong mới đã nâng tổng số ca tử vong vì SARS-CoV-2 lên 6.277 ca được ghi nhận chính thức tại Iran, tính từ giữa tháng 2.
Các nhà thờ Hồi giáo tại Iran đã được mở cửa lại tại một số vùng. Ảnh minh họa: AFP
Hôm Chủ nhật, Iran có 47 ca tử vong, là tỷ lệ thấp nhất trong vòng 55 ngày qua. Số ca mắc mới trong 24 giờ qua đã tăng thêm 1.223, lên 98.647 ca.
Các nhà thờ Hồi giáo hôm thứ Hai 4/5 đã được phép mở lại cho người đến thờ cúng tại khoảng 132 hoặc gần 1/3 số đơn vị hành chính tại Iran, đã được đánh giá có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 thấp.
Quốc gia này đã bắt đầu sử dụng một hệ thống mã màu "trắng", "vàng" và "đỏ" cho các khu vực khác nhau để phân loại nguy cơ lây nhiễm virus corona.
Các tín đồ được yêu cầu bước vào thánh đường với khẩu trang và găng tay, và chỉ được lưu lại đây trong 1 tiếng trong thời gian cầu nguyện. Họ cũng buộc phải sử dụng vật dụng cá nhân mang theo cho hoạt động trong nhà thờ, Bộ Y tế cho biết.
Các nhà thờ được lệnh ngừng cung cấp thức ăn và nước uống, chuẩn bị dung dịch rửa tay và khử trùng tất cả các bề mặt, thông cáo của Bộ được hãng thông tấn ISNA cho biết thêm.
Theo Jahanpour, 79.397 trong số những người nhập viện vì COVID-19 đã được xuất viện, còn 2.676 thì đang trong tình trạng nguy kịch.
Các chuyên gia và quan chức cả ở Iran và nước ngoài đã nghi ngờ về số liệu COVID-19 của đất nước này, cho biết số trường hợp thực tế có thể cao hơn nhiều so với báo cáo.
Tổng thống Hassan Rouhani cho biết Iran đã "thành công trong việc ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của virus corona ở nhiều vùng" của đất nước.
Phát biểu tại một cuộc họp hội nghị truyền hình trực tuyến của Phong trào Không liên kết, ông Rouhani nói rằng phản ứng của Iran đối với sự bùng phát "trong tình hình này đã được đánh giá là vượt quá tiêu chuẩn quốc tế."
Rouhani nói thêm những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Iran dù vậy đã chịu sự cản trở bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ, trích dẫn việc các lệnh trừng phạt này đã ngăn các công ty khác bán cho Iran các vật tư y tế cần thiết.
Các lệnh trừng phạt này được tái áp dụng sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước hạt nhân vào năm 2018.
Hàng hóa nhân đạo, đặc biệt là thuốc và thiết bị y tế, được miễn trừ trừng phạt về mặt lý thuyết.
Tuy nhiên, việc mua bán các mặt hàng này với các nhà cung cấp nước ngoài đã chịu sự đề phòng từ các ngân hàng khi tiến hành giao dịch với nỗi lo lắng bất kỳ hành động nào cũng có thể vi phạm vào lệnh trừng phạt của Mỹ.