Tin rằng rượu có thể diệt virus, 700 người Iran đã tử vong vì ngộ độc

(VOH) – Niềm tin sai lệch rằng methanol có thể diệt virus corona đã dẫn đến việc có hơn 700 người Iran tử vong, một quan chức cho biết hôm thứ Hai.

Điều này còn thể hiện rằng con số tử vong vì methanol thực tế mà Bộ Y tế Iran sắp công bố sẽ còn cao hơn nữa.

Hossein Hassanian, cố vấn của Bộ Y tế Iran, cho biết sự khác biệt trong con số người chết vì ngộ độc rượu là do có một số trường hợp chết bên ngoài bệnh viện. Con số này theo Hassanian là khoảng 200 người.

Ảnh minh họa

Ngộ độc rượu đã tăng vọt gấp 10 lần tại Iran từ năm ngoái, theo một báo cáo của chính phủ công bố trước đó vào tháng Tư, trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Cơ quan điều tra quốc gia cho biết, ngộ độc rượu đã giết chết 728 người Iran trong khoảng thời gian từ ngày 20/2 đến ngày 7/4. Năm 2019, chỉ ghi nhận có 66 trường hợp tử vong vì ngộ độc rượu, báo cáo nói thêm.

Cùng lúc đó, người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour cho biết 525 người đã chết vì uống rượu có cồn methanol độc hại tính từ 20/2, truyền hình nhà nước đưa tin ngày 27/4.

Jahanpour nói thêm có tổng cộng 5.011 người đã bị ngộ độc rượu có methanol. Ông nói thêm rằng khoảng 90 người đã mất thị lực hoặc đang bị tổn thương mắt do ngộ độc rượu.

Hassanian cũng cho biết số liệu cuối cùng của những người mất thị lực có thể cao hơn nhiều.

Iran đang là quốc gia chịu sự tàn phá nặng nề của đại dịch COVID-19 với 5.806 ca tử vong và hơn 91.000 ca nhiễm.

Methanol không thể ngửi hay nếm được trong đồ uống. Chất này có thể gây ra tổn thương nội tạng và não. Các triệu chứng ngộ độc methanol bao gồm đau ngực, buồn nôn, khó thở, mù và thậm chí hôn mê.

Ở Iran, chính phủ yêu cầu các nhà sản xuất methanol thêm màu nhân tạo vào sản phẩm của họ để người dân có thể phân biệt với ethanol, một loại cồn được sử dụng để làm sạch vết thương. Ethanol được tìm thấy trong đồ uống có cồn, mặc dù sản xuất ethanol là bất hợp pháp ở Iran.

Một số nhà sản xuất rượu lậu dùng methanol bỏ vào sản phẩm, thêm chất tẩy trắng để xóa bỏ màu trong methanol trước khi bán ra ngoài.

Methanol khi cho vào rượu sản xuất theo phương pháp truyền thống có khả năng tạo ra chất độc. Sử dụng rượu bia là hành vi bị cấm tại Iran. Tuy nhiên, vẫn có một số cộng đồng nhỏ người Do Thái, người theo đạo Kito giáo, ngườ Zoroastrian có thể sử dụng thức uống có cồn.

Trong giai đoạn dịch SARS-CoV-2 lây lan, chính phủ Iran tuyên bố sẽ cấp phép cho các nhà máy sản xuất cồn mới nhanh chóng.

Iran hiện có khoảng 40 nhà máy sản xuất cồn đã được phân bổ cho các mặt hàng dược phẩm và sát khuẩn.

Bình luận