"Trong chiến sự, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã triển khai biện pháp mới để vô hiệu hóa địa đạo của Hamas ở Dải Gaza là dẫn nước biển vào các đường hầm" - IDF cho biết vào ngày 30/1.
Theo IDF, một số đơn vị và quan chức tại Bộ Quốc phòng Israel đã phối hợp phát triển "các công cụ để đưa lượng lớn nước vào địa đạo Hamas". Việc bơm nước chỉ được thực hiện tại các vị trí phù hợp, không phải mọi đường hầm đều bị ngập.
Trước khi thực hiện, IDF đã kiểm tra trước một cách "chuyên nghiệp và toàn diện", gồm phân tích đất, hệ thống nước tại khu vực để đảm bảo nước ngầm không bị ô nhiễm.
Đây là lần đầu tiên IDF xác nhận bơm nước biển vào địa đạo Hamas, sau khi truyền thông nhiều lần đưa ra các đồn đoán.
Chiến lược này gây tranh cãi, bởi giới chuyên gia cảnh báo phương án có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường ở Gaza, khi nước mặn nhiễm vào nguồn nước ngầm và đất canh tác nông nghiệp.
Cựu điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc tại các vùng lãnh thổ Palestine, Lynn Hastings cảnh báo: "Biện pháp bơm nước sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng nước và nước thải vốn đã mong manh ở Gaza. Thậm chí còn có nguy cơ các tòa nhà và đường sá sụp đổ do áp lực gia tăng và nước biển xâm nhập vào Gaza".
Phá hủy mạng lưới "ma trận" địa đạo có tổng chiều dài hơn 500 km của Hamas ở Gaza là chiến lược trọng tâm hiện nay của quân đội Israel trong nỗ lực truy lùng các chỉ huy của nhóm và giải cứu khoảng 100 con tin còn bị giam ở Gaza. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong nhiều phương thức Israel đối phó đường hầm của nhóm vũ trang.
Theo một nghiên cứu từ học viện quân sự Mỹ West Point, Hamas sở hữu hệ thống 1.300 đường hầm dài hơn 500km ở Gaza khi chiến sự với Israel bùng phát vào tháng 10/2023.
Hệ thống hầm ngầm ban đầu được Hamas sử dụng để vượt qua các biện pháp phong tỏa cứng rắn của Israel trên Dải Gaza từ năm 2007. Hệ thống này đã được mở rộng sau cuộc chiến Israel - Hamas năm 2014.